dd/mm/yyyy

Phù Yên: Con đường nối những niềm vui

“Có đường giao thông nông thôn mới đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Các sản phẩm nông sản làm ra dễ tiêu thụ hơn. Tiềm năng đất đai sẽ dần được đánh thức và đói nghèo, lạc hậu sẽ từng bước được đẩy lùi”, ông Mùi Văn Tiên, dân bản Tường Han (xã Mường Do, Phù Yên, Sơn La) bảo vậy.

Tường Han và Suối Han là 2 bản khó khăn của xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trong đó, con đường vào bản đi lại rất khó khăn. Cả 2 bản có trên 200 hộ dân là đồng bào người dân tộc Mường, Thái, Dao. Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, vào những năm 90 của thế kỷ trước, các hộ dân tại đây đã phải rời nơi "chôn rau cắt rốn" ở xã Tường Hạ (Phù Yên) di chuyển đến xã Mường Do.

Con đường nối những niềm vui - Ảnh 1.

Tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở xã vùng III Mường Do.

Về nơi ở mới, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn để phục vụ đời sống, sản xuất của bà con. Tuy nhiên, trải qua hàng chục năm nay, một số công trình đã xuống cấp, đặc biệt là tuyến đường giao thông nông thôn liên bản Tường Han – Suối Han. Từ đó gây ra nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM ở cơ sở.

Ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do, cho biết: "Bê tông hóa đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, sau khi nhận được ý kiến của người dân 2 bản Tường Han, Suối Han về việc đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, xã đã làm tờ trình xin cấp trên đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng nối giữa 2 bản".

Con đường nối những niềm vui - Ảnh 2.

Có đường giao thông nông thôn mới, người dân bản Tường Han tin tưởng đời sống, sản xuất sẽ từng bước được nâng lên.

Theo đó, cuối năm 2019, UBND huyện Phù Yên đã chấp thuận chủ trương bê tông hoa tuyến đường giao thông nông thôn nối giữa 2 bản. Hiện, hơn 2km đường giao thông nông thôn từ bản Tường Han đi Suối Han đã được đổ bê tông phằng lì, thẳng tắp.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Trang Trại Việt, ông Đinh Đức Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Phù Yên, thông tin: "Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông nông thôn từ bản Tường Han đi bản Suối Han có tổng mức đầu tư trên 3,6 tỷ đồng. Tuyến đường được nâng cấp xây dựng đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B. Tổng chiều dài toàn tuyến 2,245km, nền đường rộng 5m, mặt đường rộng 3,5m và dày 18cm… Sau khi tuyến đường được hoàn thành đã góp phần ổn định đời sống, sản xuất của người dân, hoàn thiện các tiêu chí về NTM và thúc đẩy kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Con đường nối những niềm vui - Ảnh 3.

Ông Mùi Văn Tiên, dân bản Tường Han, tin tưởng rằng: "Con đường giao thông nông thôn từ bản Tường Han đi bản Suối Han được trải bê tông hóa sẽ góp phần làm thay đổi cuộc sống nghèo khó của nhiều hộ dân nơi đây".

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Do, do ngân sách địa phương còn hạn chế nên xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong việc huy động nguồn lực trong dân tham gia với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Chia sẻ với chúng tôi, bà Đinh Văn Viện, Trưởng bản Tường Han bảo: "Trước đây, bà con cứ nghĩ rằng bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM là việc của Đảng, Nhà nước, nhưng sau khi được cấp uỷ, chính quyền tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận và chung sức của người dân. Bản chúng tôi đã tổ chức họp bàn, thống nhất. Bà con hiểu rằng làm đường giao thông nông thôn là làm cho chính mình và phục vụ trực tiếp nhu cầu đi lại của chính chúng ta. Do vậy, mỗi hộ dân đã đồng ý đóng góp 330 nghìn đồng. Nhờ đó, tuyến đường đã được trải dài thêm những mét bê tông".

Con đường nối những niềm vui - Ảnh 4.

Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn xã Mường Do nói riêng và huyện Phù Yên nói chung.

"Bản Suối Han có 70 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm 28%. Bản có 3 dân tộc là Mường, Thái, Dao cùng sinh sống và đều là hộ di dân tái định cư từ xã Tường Hạ về xã Mường Do. Kinh tế chủ yếu trồng cây ngô, cây sắn. Vì vậy, điều kiện cuộc sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Người dân ai cũng mong mỏi tuyến đường sớm được đầu tư để thuận lợi cho việc thông thương hàng hoá, thức đẩy sản xuất phát triển.

Ngay sau khi có chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường, người dân ai cũng đồng tình, ủng hộ. Từ sự vận động của xã, các hộ dân trong bản tự nguyện đóng góp 330 nghìn đồng/hộ để làm đường. Đặc biệt, 28% số hộ nghèo đều nhiệt tình tham gia đóng góp. Đến giờ, tôi vẫn không tin nổi vào mắt mình. Tuyến đường giờ không những đẹp mà còn rất thẳng và rộng", bà Đinh Thị Đăng, Trưởng bản Suối Han tâm sự như vậy.

Con đường nối những niềm vui - Ảnh 5.

Vùng quê Tường Han khoác lên mình chiếc áo mới.

Cùng chúng tôi thong dong sải bước trên con đường giao thông nông thôn mới được cứng hoá, ông Mùi Văn Tiên, bản Tường Han, hào hứng kể: "Trước đây, khi tuyến đường này chưa được bê tông, cứ mỗi khi mùa mưa lũ đến là một cực hình đối với người dân nơi đây. Đường lầy lội, lồi lõm, người dân đi ra đồng sản xuất, các cháu học sinh đi học rất khó khăn. Nay từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng với sự đóng góp của người dân đã góp phần hình thành con đường giao thông nông thôn mới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con, các sản phẩm nông sản làm ra dễ tiêu thụ hơn;,tiềm năng đất đai sẽ dần được đánh thức và đói nghèo, lạc hậu sẽ từng bước được đẩy lùi".

Tuệ Linh