Phú Thọ: Huy động hơn 13.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới

25/09/2020 11:41 GMT+7
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025, chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện ở 13/13 huyện, thị, thành phố với tổng nguồn vốn dự kiến hơn 13.000 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động với phương châm "xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc".

Bên cạnh đó, Phú Thọ tăng cường vận động xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của tỉnh theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...

Phú Thọ: Huy động hơn 13 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhờ chủ trương xây dựng NTM, nhiều vùng quê ở Phú Thọ đã "thay da đổi thịt"

Tại buổi làm việc với các ngành liên quan tỉnh Phú Thọ trong việc triển khai mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tháng 9/2020, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích rõ thuận lợi, khó khăn trong triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, xác định mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế trên cơ sở mục tiêu chung của vùng, đảm bảo tính khả thi cao; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu giúp Ban Chỉ đạo tỉnh các chính sách mới và các giải pháp thực hiện chương trình có hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, đề ra giải pháp cụ thể đối với những tiêu chí khó, nhất là các tiêu chí về tổ chức sản xuất, thu nhập, môi trường, hạ tầng. Tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực, phân bổ kinh phí phù hợp để duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới…

Phú Thọ: Huy động hơn 13 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Chú trọng xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm địa phương

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra trước 3 năm; kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh đứng ở vị trí nhóm đầu và là tỉnh đầu tiên có huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong khu vực miền núi phía Bắc.

Với tổng nguồn vốn huy động đạt 12.640 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng. Các xã đạt tiêu chí nông thôn mới cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra: Giao thông đạt hơn 55%; thủy lợi gần 93%; giáo dục gần 91%; y tế 75%; văn hóa 90%; lao động có việc làm đạt 99%; cơ sở vật chất văn hóa 80,6%; hạ tầng thương mại nông thôn 87%...

Đến nay, tỉnh Phú Thọ có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43%; 13/13 huyện, thành, thị có xã đạt chuẩn nông thôn mới; 166 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Lâm Thao đạt huyện nông thôn mới; thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí đạt 15,0 tiêu chí/xã. Không có xã dưới 7 tiêu chí...


Ngô Bảo Chi
Cùng chuyên mục