Phú Quốc ngập lụt nặng: Nhiều nhận định chủ quan về nguyên nhân?

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 12/08/2019 17:50 PM (GMT+7)
Ngành chức năng huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho rằng, trong thời gian diễn ra ngập lụt, có thông tin, hình ảnh thiếu chuẩn xác lan truyền nhanh trên mạng xã hội quá mức làm người dân, khách du lịch hoang mang, lo sợ và nhiều nhận định ban đầu mang tính chủ quan về nguyên nhân ngập nước làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nơi đây.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ ngập lịch sử vài ngày qua ở Phú Quốc, chiều nay (12/8), Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc đã có báo cáo mới nhất gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang.

img

Cảnh ngập ở Phú Quốc ngày 9/8.

Theo báo cáo trên, hiện nay, các lực lượng chức năng huyện này đang thực hiện thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, đồng thời, khẩn trương sửa chữa toàn bộ diện tích mặt đường bị hư hỏng, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh. 

Lãnh đạo huyện Phú Quốc yêu cầu các đơn vị có liên quan khảo sát lại toàn thể các công trình để có phương án cải tạo lại hệ thống thoát nước; nghiên cứu, nâng cấp lại hệ thống thoát nước tại một số tuyến đường, đặc biệt tại thị trấn Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc cho biết, trong thời gian diễn ra ngập lụt, có thông tin, hình ảnh thiếu chuẩn xác lan truyền nhanh trên mạng xã hội đến quá mức làm người dân, khách du lịch hoang mang, lo sợ và nhiều nhận định ban đầu mang tính chủ quan về nguyên nhân ngập nước làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Phú Quốc.

Theo thống kê, UBND Phú Quốc cho biết, trong 2 ngày (8 và 9/8) vừa qua, nơi đây 63km đường bị ngập (độ sâu trung bình là 0,7m, có nơi lên đến 2m), số nhà bị ngập trong là 8.424 căn, phải sơ tán 1.985 người dân, ước tổng thiệt hại trên 107 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt  trưa 12/8, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Phú Quốc cho biết, việc ngập lụt vừa qua không ảnh hưởng gì nhiều đến du lịch địa phương. Chỉ có ngày 9/8, việc đưa rước khách ở Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc không thực hiện được. Đến tối cùng ngày, mưa tạnh, các chuyến bay bắt đầu hoạt động bình thường đến nay. Hiện nhiều tuyến đường ngập ở Phú Quốc đã khô nên hoạt động giáo dục trở lại bình thường.

Cũng trong hôm nay, theo tìm hiểu của phóng viên, các ngành chức năng huyện Phú Quốc phối hợp với UBND thị trấn Dương Đông cấp phát hàng ngàn phần quà do các mạnh thường quân hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lịch sử vừa mới xảy ra. Nhiều hộ dân được di dời trước đó đã quay trở về nhà và vệ sinh nhà cửa.

UBND tỉnh Kiên Giang có buổi khảo sát, chỉ đạo ngành chức năng huyện Phú Quốc tập trung xử lí sau ngập để dân trở về nhà, ổn định cuộc sống, rà soát lại những nơi gây chặn dòng chảy để có hướng xử lý, tránh gây ngập tương tự trong thời gian tới.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra trận ngập lịch sử trên là do hệ thống thoát nước không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Hệ thống thoát nước này được đầu tư xây dựng từ năm 2003 và chỉ phù hợp với mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, trong khi hiện tại, Phú Quốc đã phát triển nhanh về dân cư.

Trước đây, ở Phú Quốc có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp. Hiện nay, những ao hồ này bị san lấp tôn nền nên hệ thống thoát nước thường xuyên bị tắc nghẽn vì rác thải và đất, cát từ các công trình xây dựng.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước từ các dốc núi đổ ra biển gây ngập lụt nặng tại các khu dân cư ven sông, ven suối... 

Một nguyên nhân nữa gây ra ngập nặng ở địa phương này trong vài ngày qua là do mưa lớn kéo dài. Từ ngày 2 - 9/8, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện đạt hơn 1.000 mm (trong khi lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 3.000mm).

Chỉ tính riêng ngày 9/8, lượng mưa tới 335mm, cao hơn tổng lượng mưa cả năm 1997 (327mm). Đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn. Đồng thời, thời gian này trùng với nước biển dâng cao, gây thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở rất nhiều.

Để khắc phục được tình trạng ngập có thể xảy ra tương tự, ngành chức năng huyện Phụ Quốc sẽ tiến hành khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối cho toàn đảo, nâng cấp hệ thống thoát nước một số khu vực cho phù hợp với tốc độ phát triển như hiện nay; xây dựng kè chống lấn chiếm ở rạch Ông Trì, rạch Somaco, sông Dương Đông...

Về lâu dài, Phú Quốc phải đẩy nhanh việc triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông, An Thới, phê duyệt chương trình phát triển đô thị, làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, đồng bộ cho hạ tầng đô thị. Đây cũng là nhiệm vụ tổ chức quản lý và triển khai tốt quy hoạch chung xây dựng theo Quyết định số 633 và 868 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Phú Quốc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem