dd/mm/yyyy

Phong Thổ làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân?

Những năm gần đây, người dân huyện biên giới Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã mạnh dạn hơn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất những cây trồng có lợi thế. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của người dân các xã trong huyện ngày càng cải thiện, nâng cao.

Phong Thổ là huyện miền núi biên giới của tỉnh Lai Châu. Đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Phong Thổ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phong Thổ cũng lựa chọn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm khâu đột phá và lấy đó làm "đòn bẩy" thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí khác.

Phong Thổ làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân? - Ảnh 1.

Huyện Phong Thổ hiện có hơn 50ha trồng cây ăn quả ôn đới tập trung. (Ảnh: Thanh Ngân)

Xác định rõ hướng đi, huyện Phong Thổ thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi dần tập quán sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Song song với việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân, huyện Phong Thổ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và của tỉnh.

"Ngoài chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, nhiều hộ dân ở các xã, bản trong huyện còn được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ như: 135, 30a, nông thôn mới... Qua thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân các xã, bản đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chè và các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn" - anh Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, cho biết.

Phong Thổ làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân? - Ảnh 2.

Cơ sở hạ tầng của huyện Phong Thổ đang từng bước được hoàn thiện. (Ảnh: Thanh Ngân)

Thực tế cho thấy, ở các xã vùng cao của huyện Phong Thổ như: Dào San, Mù Sang... người dân mạnh dạn phát triển cây ăn quả ôn đới các loại như: Lê, đào, mận. Trên địa bàn huyện đã hình thành được vùng trồng cây ăn ôn đới tập trung với diện tích gần 50ha. Nhiều hộ dân trong huyện đã và đang có thu nhập ổn định từ trồng cây ăn quả.

"Nói đến mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Phong Thổ không thể không nhắc đến cây chuối. Đến thời điểm hiện tại, huyện Phong Thổ vẫn chưa tìm được cây trồng nào có giá trị kinh tế cao và ổn định có thể thay thế được cây chuối. Nhiều hộ dân trong huyện không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu nhờ trồng chuối. Để nông nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững, huyện Phong Thổ đã và đang định hướng người dân sản xuất theo chuỗi liên kết, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP..." - ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay.

Phong Thổ làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân? - Ảnh 3.

Nhờ trồng chuối, nhiều hộ dân ở huyện Phong Thổ đã thoát nghèo, từng bước làm giàu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đối với các xã: Sì Lờ Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử... huyện Phong Thổ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng chè theo quy hoạch. Diện tích chè của toàn huyện đến nay đã tăng lên gần 200ha, đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Cùng với tập trung vào sản xuất những cây trồng có lợi thế như: Chuối, chè, cây ăn quả, lúa hàng hóa... người dân các xã, thị trấn của huyện Phong Thổ còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn huyện hiện có khoảng 40.000 con gia súc, trong đó đàn trâu hơn 10.000 con, đàn bò gần 1.000 con, đàn lợn hơn 26.000 con... Công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc, gia cầm được các hộ chăn nuôi trong huyện quan tâm hơn trước đây. Nhiều hộ chủ động làm chuồng trại chăn nuôi đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Đàn gia súc, gia cầm cũng nhờ đó mà sinh trưởng, phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh.

Phong Thổ làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân? - Ảnh 4.

Nhiều trường học ở huyện Phong Thổ được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thu nhập, đời sống của người dân huyện biên giới Phong Thổ không ngừng cải thiện, nâng cao. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện Phong Thổ mới chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2020 đã tăng lên hơn 28 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng, người dân huyện Phong Thổ tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn miền núi của huyện cũng nhờ đó mà ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn huyện Phong Thổ đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Thanh Ngân