Sau khi tàn phá Philippines, siêu bão số 10 (Goni) còn mạnh cấp mấy khi vào Việt Nam?

Khương Lực Thứ hai, ngày 02/11/2020 13:42 PM (GMT+7)
Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực chủ trì họp chỉ đạo ứng phó với bão số 10 (bão Goni).
Bình luận 0

Vào lúc 10 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão số 10 (bão Goni) ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Bão Goni suy yếu, sức gió cấp 8, cách quần đảo Hoàng Sa 700km nhưng không được chủ quan - Ảnh 1.

Vào lúc 10 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão số 10 (bão Goni) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 2/11 bão Goni đã suy yếu, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

Như vậy, siêu bão Goni đã giảm tới 9 cấp, từ lúc đạt đỉnh giật trên cấp 17 trước khi va đập vào địa hình các đảo của Philippines. Khi vào biển Đông, bão Goni trở thành cơn bão số 10 và bắt đầu suy yếu, sức gió chỉ còn mạnh cấp 8.

Bão Goni suy yếu, sức gió cấp 8, cách quần đảo Hoàng Sa 700km nhưng không được chủ quan - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo số 10 (bão Goni) khi vào phía Nam quần đảo Hoàng Sa có thể mạnh lên đến cấp 9, sau đó khi áp sát bờ biển Đà Nẵng – Phú Yên, cường độ bão sẽ suy giảm.

Theo ông Khiêm, do bão số là cơn suy yếu nên khó dự đoán hơn so với bão mạnh do bản thân cơn bão chỉ quyết định  30-40%, còn lại phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. 

"Khi vào phía Nam quần đảo Hoàng Sa, bão số 10 có thể mạnh lên thêm đến cấp 9, sau đó khi áp sát bờ biển Đà Nẵng – Phú Yên, cường độ bão sẽ suy giảm" - ông Khiêm dự báo.

Theo ông Khiêm, hiện có 2 yếu tố liên quan đến xu thế và cường độ bão số 10, đó là: Về động lực, hiện nay cao tần nhiệt đới đang lấn sâu vào và không khí lạnh đang tăng cường. Các yếu tố này có thể làm bão số 10 mạnh thêm. 

Về nhiệt lực, bão số 10 vào biển Đông có nhiệt độ khoảng 28-29 độ C, nhưng khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhiệt độ giảm còn 26-27 độ C, sẽ làm giảm cường độ cơn bão.

 Dự báo, khu vực Quảng Trị - Khánh Hòa tiếp tục có nguy cơ tác động của bão số 10. Đây là khu vực vừa chịu thiệt hại nặng nề của bão số 9, chưa khắc phục xong. 

Về lượng mưa, ông Khiêm dự báo khu vực Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm; từ Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 300-400mm/đợt. Từ ngày 5-7/11, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 150-300mm/đợt. 

Mặc dù bão số 10 được đánh giá là cơn bão yếu, nhưng các ý kiến cho rằng chúng ta phải theo dõi sát diễn biến của bão và không được chủ quan, đặc biệt là với các tàu thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm của bão, lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ. 

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, có 1.255 tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão và hiện đã được thông báo để di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn. 

Đối với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, đây là khu vực nuôi trồng thủy sản với số lượng lồng bè lớn, cần phải lưu ý ứng phó với bão số 10, tuyệt đối không được chủ quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cơn bão số 10 khác hẳn cơn bão số 9. Theo ông Cường, sau khi va đập vào các đảo nhỏ, đảo lớn của Philippines, khi đổ bộ vào biển Đông bão số 10 đã giảm tới 6 cấp, nhưng vẫn còn phức tạp, khó dự báo. Vì thế, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phải theo dõi sát, dự báo liên tục về tình hình cơn bão.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm thông báo, kêu gọi và đưa tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 10 và đảm bảo an toàn cho 4 tàu kiểm ngư đang tìm kiếm các nạn nhân mất tích trên biển.

Phó Thủ tướng nhắc tới sự cố đáng tiếc đã xảy ra trong cơn bão số 9, khiến 2 tàu bị chìm; hiện vẫn còn 23 người mất tích trên biển. Cùng với đó, tổ chức sơ tán dân khỏi các chòi canh, lồng bè nuôi cá trên biển và các khu vực nguy hiểm trên đất liền như: các nhà bị hư hỏng, sập, tốc mái chưa khắc phục xong, khu ngập úng, có nguy cơ bị sạt đất, lũ quét.

Liên quan tới vấn đề sạt lở đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện bản đồ nguy cơ sạt lở để giảm thiểu thiệt hại khi mưa, bão. Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề khó, nhưng không được bỏ rơi mặt trận này để người dân biết, phòng tránh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem