dd/mm/yyyy

Phát triển chăn nuôi, xóa nghèo ở Tà Lèng

Với diện tích tự nhiên hơn 1.400ha, trong đó đất nông nghiệp trên 715ha, giao thông thuận lợi, lại gần trung tâm thành phố, xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên) được coi là có lợi thế hơn nhiều lần so với các đơn vị khác trên địa bàn trong phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến những năm gần đây ngành chăn nuôi ở Tà Lèng mới có sự bứt phá.

Mặc dù số lượng đàn vật nuôi ngày càng tăng qua các năm, tuy nhiên, chăn nuôi ở Tà Lèng mới dừng ở mức chăn nuôi theo hình thức nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ.

Đơn cử như trong phát triển chăn nuôi gia cầm, toàn xã hiện có hơn 250 hộ dân, song chỉ có duy nhất hộ ông Lê Văn Nương, bản Kê Nênh có số lượng đàn gia cầm được coi là lớn nhất xã, và quy mô cũng chỉ dừng ở con số khoảng 100 con mỗi lứa. Còn lại hầu hết các hộ gia đình chỉ nuôi từ 20 - 30 con hoặc ít hơn, chủ yếu để đáp ứng, phục vụ nhu cầu của gia đình chứ chưa phát triển thành chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tương tự, thống kê trong chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã cho thấy, quy mô đàn lợn ở các hộ gia đình nhiều nhất cũng chỉ trên chục con, còn đại gia súc thì đa số chỉ nuôi từ 2 - 3 con.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm làm hàng hóa ở Tả Lèng đang từng bước được nông dân đầu tư, phát triển.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm làm hàng hóa ở Tả Lèng đang từng bước được nông dân đầu tư, phát triển.

Trở ngại lớn nhất để chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Tà Lèng phát triển đó là vốn. Với 96% dân số chủ yếu làm nông nghiệp, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Tà Lèng vẫn còn thấp, khoảng 14 triệu đồng/người/năm. Với mức thu nhập như vậy để đầu tư chăn nuôi lớn là rất khó, nhất là theo hình thức gia trại hay trang trại lại càng khó hơn gấp bội. Bên cạnh đó, mặc dù được tiếp cận với nguồn vốn chính sách xong người dân cũng chưa mạnh dạn đầu tư lớn. Đồng vốn đi vay cũng chủ yếu để đầu tư chăn nuôi nhỏ.

Cùng với đó, trong số gần 1.200 nhân khẩu của toàn xã thì có đến 95% dân số là người dân tộc thiểu số, nhận thức vẫn còn hạn chế, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Hầu hết người dân vẫn chăn nuôi theo kiểu truyền thống, không có sự đầu tư quy mô, bài bản.

Nói về định hướng phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, ông Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng cho biết: Sắp tới, nhằm khuyến khích người dân chuyển dần phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ, truyền thống sang hướng hàng hóa, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xã đang chuẩn bị triển khai dự án nuôi gà thả đồi, quy mô 1.000 con với hơn 10 hộ tham gia. Dự kiến đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ triển khai trên thực tế.

Về lâu dài, xác định chăn nuôi là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế, nhất là đối với xã thuần nông như Tà Lèng, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung, xã cũng thực hiện tốt các chính sách về chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phòng dịch bệnh, đưa những giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ về vốn, xã cũng tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn cho chăn nuôi sao cho hiệu quả.

Tà Lèng đã công bố đạt chuẩn nông thôn mới, với những giải pháp phù hợp, hy vọng rằng chăn nuôi ở Tà Lèng sẽ sớm phát triển tương xứng với tiềm năng.

Thanh Phong