Phát thèm khi thấy mấy món ngon của đôi vợ chồng người Tày ở Thái Nguyên, bánh trứng kiến là số 1

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 10/04/2023 13:00 PM (GMT+7)
Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vợ chồng anh Ma Viết Quang và chị Nguyễn Thị Lương người dân tộc Tày ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã chế biến nhiều món ăn đặc sản, bánh trứng kiến là số 1...
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 4/2023, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, nhóm PV Dân Việt chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất các món ăn đặc sản truyền thống của vợ chồng anh Ma Viết Quang ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. 

Sau hơn 2 giờ đồng hồ đi từ trung tâm TP.Thái Nguyên chúng tôi đã có mặt tại nơi đây, hiện ra trước mắt là ngôi nhà sàn nằm ngay chân đèo De dẫn lên khu di tích lịch sử ATK Định Hoá.


Chị Nguyễn Thị Lương giới thiệu về các món ăn đặc sản do gia đình chị sản xuất. Clip: Hà Thanh

Đón tiếp chúng tôi trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc Tày, chị Nguyễn Thị Lương niềm nở nói: "Các anh chị lên hôm nay đúng hôm thời tiết đẹp trời, nắng ráo, chứ mấy hôm trước mưa nồm nhà em nghỉ làm. Hôm nay vợ chồng em đang chuẩn bị chế biến các món ăn để gửi hàng cho khách ở xa".

Trò chuyện trong không gian sản xuất các món ăn, chị Lương bộc bạch, sau nhiều năm chế biến các món ăn đặc sản bán cho người dân trong vùng, được mọi người đánh giá cao về chất lượng, năm 2017, chồng chị (anh Ma Viết Quang) đã cùng với bác ruột thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Dương Hồng để đưa những sản phẩm ra thị trường, tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Hiện nay, HTX có tất cả 7 thành viên nhưng chuyên về chăn nuôi các loại vật nuôi như trâu, bò, dê và lợn rừng, còn lại chỉ có duy nhất vợ chồng anh Quang sản xuất các món ăn thành phẩm. Tất cả nguồn nguyên liệu để chế biến những món ăn được vợ chồng anh lấy từ các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ của HTX nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

Hai vợ chồng người Tày ở Thái Nguyên chế biến toàn món ăn đặc sản, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon - Ảnh 2.

Món bánh trứng kiến là một trong những món ăn đặc sản của HTX Dương Hồng, do vợ chồng chị Nguyễn Thị Lương chế biến. Ảnh: Hà Thanh

Giới thiệu với PV Dân Việt, chị Lương cho biết, hiện nay, gia đình chị đang chế biến và bán ra thị trường 5 loại sản phẩm chính, gồm: Thịt hun khói, lạp xườn, khau nhục, bánh trứng kiến và bánh chưng xanh lá riềng. 

Trong đó, thịt hun khói là món ăn được lựa chọn để đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong năm 2023 này. Đến nay, các thủ tục đăng ký đã được hoàn thiện. Ngoài ra, trong năm tới, gia đình chị sẽ đăng ký thêm sản phẩm khau nhục và lạp xườn là sản phẩm OCOP.

Anh Quang phấn khởi cho hay, đối với 5 sản phẩm hiện có của gia đình, sản phẩm nào cũng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Trong đó, có sản phẩm bánh trứng kiến là được bán theo mùa từ tháng 3 đến tháng 5, còn lại những sản phẩm khác thì có thể bán quanh năm.

Hai vợ chồng người Tày ở Thái Nguyên chế biến toàn món ăn đặc sản, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon - Ảnh 3.

Trứng kiến sau khi làm sạch được xào với củ kiệu để làm nhân bánh. Ảnh: Hà Thanh

Theo dòng chia sẻ của gia đình, để làm ra các món ăn đặc sản kể trên đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nhưng món ăn được chế biến kỳ công nhất phải kể đến món khau nhục. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu, những miếng thịt ba chỉ nạc, dày và ngon...

Hai vợ chồng người Tày ở Thái Nguyên chế biến toàn món ăn đặc sản, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon - Ảnh 4.

Nguyên liệu làm món khau nhục là thịt ba chỉ nạc và dày. Ảnh: Hà Thanh

Sau đó, đem luộc thịt lên, tẩm ướp gia vị phù hợp, rồi châm cho bì ngấm đều gia vị, tiếp đến đem chiên giòn thịt và cho vào hấp cách thuỷ trong cả một ngày cùng rất nhiều nguyên liệu khác nhau như củ cải khô, mộc nhĩ rừng, nấm hương, hạt sen, lạc, trứng…

Trung bình mỗi tháng, gia đình anh chị sản xuất và bán ra thị trường khoảng 200 - 300 đĩa khau nhục với giá bán 150.000đồng/đĩa. Còn đối với sản phẩm lạp xườn, mỗi tháng gia đình anh chị bán khoảng 70 – 80kg, với giá bán 300.000đồng/kg, và từ 100 – 200kg thịt hun khói với giá 500.000đồng/kg.

Hai vợ chồng người Tày ở Thái Nguyên chế biến toàn món ăn đặc sản, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon - Ảnh 6.

Thịt ba chỉ sau khi luộc và tẩm ướp gia vị được chiên giòn. Ảnh: Hà Thanh

Điều đặc biệt, khác với nhiều sản phẩm của các đơn vị, lạp xườn và thịt hun khói của gia đình chị Lương được hun bằng bã mía, nên khi ăn có mùi vị thơm ngon đặc trưng, giữ hương vị truyền thống được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Những lúc cao điểm, ngoài lao động của gia đình, vợ chồng anh Quang còn phải thuê thêm khoảng 8 lao động mới có thể kịp sản xuất để phục vụ thị trường. Trong đó, nhân công được anh chị trả với mức thu nhập từ 200.000 – 250.000đồng/người/ngày.

Hai vợ chồng người Tày ở Thái Nguyên chế biến toàn món ăn đặc sản, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon - Ảnh 7.

Món thịt hun khói thơm ngon sau khi hoàn thành được đóng gói hút chân không. Ảnh: Hà Thanh.

Ngoài bán sản phẩm cho người dân trong vùng theo cách thức truyền thống, gia đình anh Quang còn đưa sản phẩm lên các trang mạng xã hội để bán, do đó khả năng tiếp cận khách hàng tương đối cao. Rất nhiều khách hàng từ các tỉnh biết đến sản phẩm của gia đình anh chị nên thường xuyên đặt mua sỉ và lẻ với số lượng lớn. Trong đó có các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.  

Hiện nay, bên cạnh việc chế biến các món ăn thành phẩm, gia đình người dân tộc Tày này còn nuôi thêm lợn rừng vừa để phục vụ nguồn nguyên liệu cho chế biến sản xuất vừa để bán giống, bán thịt vào thời điểm cuối năm khi khách có nhu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem