Phát lộ hiện vật cổ khi khai quật khảo cổ ở Hà Nam, có vật dụng lạ do anh nông dân tìm thấy trong hang

Thứ ba, ngày 23/04/2024 09:20 AM (GMT+7)
Trong hai năm 2021 – 2022, Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Nam phối hợp với một số cơ quan chuyên môn của T.Ư, doanh nghiệp tiến hành khảo sát, điều tra khảo cổ học tại các khu vực thuộc danh thắng Tam Chúc, Bát Cảnh Sơn, căn cứ địa Lạt Sơn. Kết quả cho thấy vùng lõi của quần thể Danh thắng Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động...
Bình luận 0

Theo Bảo tàng Hà Nam, 4 di tích và danh thắng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận di tích, danh thắng cấp quốc gia, gồm: Danh lam thắng cảnh Tam Chúc, danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, Di tích lịch sử Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao, Địa điểm căn cứ địa Lạt Sơn.

Phát lộ hiện vật cổ khi khai quật khảo cổ ở Hà Nam, có vật dụng lạ do anh nông dân tìm thấy trong hang- Ảnh 1.

Khu lưu niệm Nhà văn Nam Cao xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Trong hai năm 2021 – 2022, Sở VH,TT&DL phối hợp với một số cơ quan chuyên môn của Trung ương, doanh nghiệp tiến hành khảo sát và điều tra khảo cổ học tại các khu vực thuộc danh thắng Tam Chúc, Bát Cảnh Sơn, căn cứ địa Lạt Sơn. 

Kết quả cho thấy Khu vực vùng lõi của quần thể Danh thắng Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động, mái đá, giếng Cacx-tơ, Cồn Hến 1, Cồn Hến 2... không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, du lịch mà còn có giá trị khảo cổ. 

Một số di tích có niên đại thời kỳ đồ đá, đồ sắt và nhóm các di tích có hang động danh thắng đã được ghi nhận tồn tại. Nhóm di tích thời kỳ Tiền sử bao gồm các di tích hang động có dấu vết cư trú của cư dân thời đại đồ đá.

Phát lộ hiện vật cổ khi khai quật khảo cổ ở Hà Nam, có vật dụng lạ do anh nông dân tìm thấy trong hang- Ảnh 3.

Một trong những hiện vật cổ là vật dụng bằng đá được anh Lê Văn Bách, người dân Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tìm thấy trong hang động ở Tam Chúc.

Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam cho biết, tại các hang Logi đã phát hiện các di cốt chứa hóa thạch của động vật. 

Đây là hang động thuộc dạng di chỉ cổ sinh. Đối với các thời kỳ đồ sắt, đó là những di tích có niên đại những thế kỷ giai đoạn đầu công nguyên.

“Từ kết quả khảo sát này cho thấy khu vực vùng lõm tại Quần thể Danh thắng Tam Chúc mang lại những nhận thức mới về sự có mặt của văn hóa Hòa Bình ở mảnh đất này. 

Kết quả điều tra sơ bộ cũng cung cấp những chứng cứ quan trọng đối với ngành khảo cổ học Việt Nam về giai đoạn Văn hóa Hòa Bình và sau Hòa Bình”. Ông Hiến chia sẻ.

Phát lộ hiện vật cổ khi khai quật khảo cổ ở Hà Nam, có vật dụng lạ do anh nông dân tìm thấy trong hang- Ảnh 5.

Khu vực quần thể danh thắng Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Khảo sát các vùng phụ cận Tam Chúc, Ba Sao huyện Kim Bảng đã cho kết quả khẳng định vùng đất này có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. 

Cả ba vùng đất Ba Sao, Bút Phong, Liên Sơn đều có các vị thần chủ liên quan đến rừng...

Người vùng đất Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Cao Sơn hộ quốc, Hiệu Lĩnh Đông Tĩnh Cao Khánh sơn, Tản Viên đại vương, Tản viên sơn thượng đẳng thần. 

Vì cùng chung thần chủ nên có nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng giống nhau.

Phát lộ hiện vật cổ khi khai quật khảo cổ ở Hà Nam, có vật dụng lạ do anh nông dân tìm thấy trong hang- Ảnh 7.

Chùa Vân Mộng (Hà Nam).

Bà Lê Thị Khánh Ninh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, Bảo tàng tỉnh Hà Nam cho biết: Các vị thần này đều có công đối với sự phát triển xã hội khi đó.

Sau khi họ qua đời, triều đình đương thời đã sắc phong cho các vị trở thành phúc đẳng thần, được nhân dân thờ phụng.

Đây chính là nền tảng cho sự phát triển nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân trong khu vực như các tập tục gắn với lễ hội Án Bàn (Khả Phong) hay “Đảo vũ” (Bút Phong).

Đối với quần thể danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), những phát hiện qua cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học tại chùa Vân Mộng (di tích thuộc quần thể Danh lam thắng cảnh) như toàn bộ nền móng của công trình kiến trúc và những hiện vật thuộc loại hình vật liệu kiến trúc đã được phát lộ. 

Theo ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam với những kết quả khai quật này có thể khẳng định ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, dưới thời vua Lý Thần Tông, gắn với thiền sư Nguyễn Minh Không.

Ngôi chùa sau đó còn được nhà sư Viên Quang chân nhân và các thời sau tiếp tục tôn tạo, gìn giữ đến thời nhà Nguyễn.

Trong suốt thời gian qua, các di tích, danh thắng này đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước, là cơ sở thu hút các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa tìm tòi, nghiên cứu. 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, Sở VH,TT&DL đã xây dựng hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL đề nghị công nhận là di tích, danh thắng cấp quốc gia năm 2022. 

Giang Nam (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem