Phập phồng nỗi lo tăng học phí

Tùng Anh – Quốc Hải Thứ tư, ngày 30/09/2015 06:53 AM (GMT+7)
Năm học 2015-2016, học phí của tất cả các nhóm ngành nghề đào tạo bậc đại học (ĐH) các trường công lập sẽ tăng 10%, dao động từ 6-9 triệu đồng. Nhiều gia đình lo lắng con em mình thi đỗ nhưng không có tiền để bước vào cổng trường ĐH.
Bình luận 0

Việc tăng học phí bậc ĐH đã được dự tính trước và tăng theo lộ trình, tuy nhiên mức tăng học phí vẫn làm cho nhiều phụ huynh, sinh viên nghèo vùng nông thôn hết sức lo lắng.

Nguy cơ phải nghỉ học

Mỗi tháng, anh Nguyễn Văn Phong (Tứ Kỳ, Hải Dương) phải gửi số tiền tối thiểu là 4 triệu đồng cho 2 con là Nguyễn Thị Giang  (sinh viên năm thứ 4 ĐH Công nghiệp Hà Nội) và Nguyễn Thị Liên (sinh viên năm nhất ĐH Thương mại), đó là chưa tính tiền học phí mỗi kỳ phải nộp trên dưới 10 triệu đồng cho 2 cháu. Với số tiền này, anh Phong cho biết các con cũng phải chi tiêu hết sức tiết kiệm mới đủ trả tiền phòng trọ và ăn uống sinh hoạt. “Giờ mà tăng học phí nữa chắc vợ chồng tôi khó mà trụ được. Để có tiền nuôi 2 con ăn học, năm nào gia đình cũng phải vay vốn sinh viên, vay quỹ hội phụ nữ, hội nông dân... và cật lực cày cấy thuê cho người ta”. Anh Phong cũng cho biết, không phải chỉ lo học phí tăng, mà giá cả ăn uống sinh hoạt cũng tăng theo từng quý, từng năm, tăng thêm một chút học phí cũng cảm thấy quá sức.

img

 Sinh viên khoa Sinh - Môi trường Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) trong giờ thực nghiệm.   Ảnh: BIO- ENV

Cũng vì lo vấn đề học phí, em Trần Ngọc Vinh (An Lão, Hải Phòng) đã từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng để nộp hồ sơ vào ĐH Sư phạm II (Vĩnh Phúc, Hà Nội). Vinh cho biết: “Anh trai em đang theo học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, học theo tín chỉ mỗi năm cũng khá tốn kém. Năm ngoái nghe nói sắp tăng học phí, bố mẹ suốt ngày thở ngắn than dài vì anh trai em còn 2 năm nữa mới ra trường. Số tiền vay ưu đãi sinh viên đã lên tới 30 – 40 triệu đồng rồi. Gia đình em chỉ làm nông nghiệp, vì vậy, em quyết định chọn trường được miễn học phí để học. Hai anh em cùng ở Hà Nội nhưng đều vào ký túc xá ở cho đỡ tốn kém, không ở cùng nhau được”.

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) - bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, để hỗ trợ sinh viên nghèo, bên cạnh việc tăng học phí vẫn duy trì chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo và cho vay tín dụng sinh viên với lãi suất thấp, nếu học phí nâng lên thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình khu vực nông thôn, mức tăng học phí 10% vẫn là quá cao, dù có tăng vốn cho vay thì cũng chỉ là… tăng nợ. Em Lê Thị Thanh Hương (Lâm Đồng), sinh viên năm 3 ĐH Tài chính - Marketing, than thở: “Mỗi năm gia đình chỉ lo cho em được khoảng 80% tiền học phí (hơn 11 triệu đồng), còn lại em tích cóp qua việc đi làm thêm ngoài giờ, tiền học bổng khuyến khích học tập. Bây giờ nếu cứ mỗi năm cứ tăng thêm 10% thì em không biết tính sao vì giờ đã vào chuyên ngành rồi, khó có nhiều thời gian để tìm thêm việc…”.

Mức tối đa 45 triệu đồng/năm

Theo Dự thảo về mức trần học phí mới của các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015- 2016 đến 2020-2021 mà Bộ GDĐT vừa trình Chính phủ, mức trần học phí mới trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) ở tất cả nhóm ngành nghề đều tăng 10% mỗi năm tính từ mức trần học phí năm học 2014-2015. Cụ thể, mức trần học phí được chia theo 3 nhóm ngành nghề: Nhóm 1 gồm các ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông – lâm – thủy sản có mức học phí thấp nhất: 6,05 triệu đồng/năm; nhóm 2 gồm các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, khách sạn, du lịch có mức học phí 7,15 triệu đồng/năm học; cao nhất là nhóm 3 - ngành y dược: 8,8 triệu đồng/năm học. Theo lộ trình tăng học phí dự kiến, đến năm học 2020 – 2021 mức học phí theo các nhóm ngành này sẽ từ 9,74– 14,17 triệu đồng/năm học (1 năm học tính bằng 10 tháng). Tuy vậy, các trường ĐH cho biết, trong kỳ 1 năm học 2015 – 2016 các trường vẫn thu theo mức học phí cũ của năm 2014 – 2015 là từ 5,5 – 8 triệu đồng/năm để chờ hướng dẫn mới.

Đối với các trường ĐH tự chủ tài chính, mức trần học phí cũng được phân theo các nhóm ngành nghề. Cụ thể, mức học phí bình quân tối đa hệ ĐH chính quy năm học 2015 – 2016 từ 11,5  - 16 triệu đồng/năm học; năm học 2016 – 2017 tăng lên mức 13,5 – 17,5 triệu đồng/năm. Riêng các khối ngành kinh tế thu thấp nhất 17,5 triệu đồng/năm; đặc biệt, nhóm ngành y dược được đề xuất mức thu lên tới 45 triệu đồng/năm. Trước đó, tháng 5.2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường ĐH cho phép các trường này có thể tăng học phí từ năm 2015 - 2016, tuy nhiên, hiện chưa có trường nào đưa ra mức học phí cao hơn mức trần học phí được duyệt.

Đại diện Trường ĐH Hà Nội cho biết, học phí trường này sau khi được tự chủ cũng chỉ tăng đến mức 11,5 triệu đồng/năm (năm học 2015 - 2016); ĐH Ngoại Thương cũng tăng lên mức 14,5 triệu đồng/năm trong năm học này; ĐH Tài chính – Marketing thì giữ nguyên mức học phí của năm học 2014 – 2015. 

Lãnh đạo nhiều trường đều cho rằng, việc các trường “dè dặt” trong việc tăng học phí là tính toán đến khả năng chi trả của sinh viên. “Đa phần sinh viên đều là con em nông thôn, còn nhiều khó khăn,  vì vậy các trường không thể lấy lý do tự chủ để đẩy học phí lên quá cao được” - ông Nguyễn Đình Luận - Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem