dd/mm/yyyy

Phải nâng sức cạnh tranh bằng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn tiếp tục khó khăn. Do đó bắt buộc doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo phải nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là tập trung triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo gặp khó là do chưa có thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa

Xuất khẩu gạo nhiều trở ngại

Theo thống kê của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo năm 2016 đạt 4,88 triệu tấn và 2,2 tỉ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,9% thị phần.

 6 tháng đầu năm 2017, giá gạo XK của Việt Nam đang liên tục tăng lên. Những ngày đầu tháng 6, giá gạo XK loại 5% tấm (giá FOB) là 390 USD/tấn, tăng so với mức 360 - 380 USD/tấn hồi cuối tháng 5. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2014.

Đáng chú ý, Gana lại trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, đạt 452,5 nghìn tấn và 222,3 triệu USD. Trong khi đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Philippin (65%), Malaysia (48,1%), Hoa Kỳ (32,9%), Singapore (30,7%), Indonesia (21,9%), Bờ Biển Ngà (21,5%), và Hồng Kông (19…

Để hạt gạo Việt được người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ mạnh hơn, giá bán cao, lợi nhuận tốt để các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị, đặc biệt là người nông dân hưởng lợi nhiều hơn thì không có cách nào khác là phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt.

Nhận định của Bộ Công thương về vấn đề này cho thấy, hiện một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường như: Gạo Ngọc Đồng (của doanh nghiệp Gentraco), Hương Lúa (ITA Rice), Tứ Quý (ADC), gạo hữu cơ Hoa Sữa (Công ty Viễn Phú), gạo Bảy Núi (Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang), gạo Séng Cù, Nếp cái hoa vàng, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Tám Xoan Hải Hậu...

Muốn xây dựng thương hiệu phải có vùng nguyên liệu, xác định giống lúa và thị trường XK.

Chính vì thế, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là rất quan trọng. Ngày 21.5.2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án triển khai thương hiệu gạo Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030".

Để giải quyết tình trạng xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn liên tiếp trong những năm gần đây, Bộ Công thương vừa xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 và gửi đến các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến góp ý.

Cụ thể, Dự thảo đặt ra mục tiêu, gạo thơm giống Jasmine đã tăng từ 22% trong năm 2016 lên 31%; gạo nếp tăng từ 6,58% lên 16% tổng lượng gạo xuất khẩu; các loại gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ... đã bước đầu thâm nhập được các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Hoa Kỳ, châu Âu...

 Theo các chuyên gia kinh tế, muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công dù ở cấp độ quốc gia, địa phương hay doanh nghiệp, phải hội đủ 3 điều kiện quan trọng: Có vùng nguyên liệu; xác định giống lúa; định hướng thị trường xuất khẩu. Nếu làm tốt được 3 điều này thì việc xây dựng thương hiệu không khó. Hiện trên thị trường đã có nhiều thương hiệu gạo của doanh nghiệp và địa phương, nhưng thương hiệu gạo Quốc gia thì Bộ Công thương mới đang triển khai. 

Có thương hiệu xuất khẩu sẽ tăng lên 50%

Thực hiện Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ Công thương cho biết đã và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực lúa gạo để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt. Đây được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp nâng cao giá trị hạt gạo.

 Nhằm giải quyết tình trạng xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn liên tiếp trong những năm gần đây, Bộ Công Thương vừa xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu ổn định các thị trường, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức 3 tỉ USD/năm trong năm 2017; 3,5 tỉ USD vào năm 2020; lượng gạo xuất khẩu hàng năm từ 6-7 triệu tấn; góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với mức giá có lợi nhất cho người nông dân sản xuất lúa.
xuất khẩu gạo, gạo việt xuất khẩu, thương hiệu gạo việt, khát vọng lúa gạo việt, người trồng lúa

Cuối năm 2016, Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo đã được xây dựng và gửi các cơ quan chức năng để xin ý kiến góp ý. Hiện tại, Dự thảo tiêu chuẩn này vẫn đang chờ được ban hành.

Theo Dự thảo sẽ có 3 bộ tiêu chuẩn Việt Nam cho gạo thơm trắng, gạo trắng và quy phạm thực hành đối với xay xát gạo. Ngoài yêu cầu về kỹ thuật, trong nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với gạo thơm trắng và gạo trắng đều quy định mức giới hạn tối đa các loại phụ gia, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng, nhiễm độc tố vi nấm...

Nhận định về xây dựng thương hiệu gạo, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết: Việc xây dựng thương hiệu gạo đang được triển khai cẩn thận vì đây là lĩnh vực mới, còn nhiều quan điểm bất đồng, chưa thống nhất. Thương hiệu không chỉ là đơn giản dừng ở việc xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế logo, hình ảnh, mà còn là cả quá trình chuyển biến từ khâu sản xuất tới thương mại, xuất khẩu.

Nói về vấn đề xây dựng thương hiệu gạo nhằm gỡ khó cho xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Năm 2017 và những năm tiếp theo, dù tình hình khả quan hơn nhưng xuất khẩu gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung, người mua sẽ quyết định thị trường thay vì người bán như những năm trước đây. Do đó, bắt buộc phải nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bộ Công thương đặt mục tiêu, tỷ lệ gạo mang thương hiệu Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường sẽ đạt 20% vào năm 2020 và đạt 50% vào năm 2030.

Để giải quyết những khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết: Ngay những ngày đầu năm 2017, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây được coi là một trong những “rào cản” lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu đã ngay lập tức được tháo gỡ. Bộ cũng đồng thời thành lập ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP theo hướng mở rộng cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và khai thác các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo phải tăng cường liên kết và xây dựng thương hiệu. Ảnh minh họa

Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT thúc đẩy doanh nghiệp và người sản xuất hình thành những vùng sản xuất lớn, xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ gạo và hệ thống logistics để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng quy hoạch các vùng canh tác gạo với những sản phẩm phù hợp với từng thị trường, có biện pháp cụ thể để ổn định về chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2017 sẽ có sự đổi mới thật sự mạnh mẽ cả về quan điểm, chủ trương và thể chế để hình thành các vùng sản xuất lớn nhằm phục vụ cho việc cơ giới hóa, tự động hóa và đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng thành công thương hiệu gạo.

“Việc rà soát lại khung pháp lý theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, phát triển thị trường, nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo… là những giải pháp được Bộ Công thương đẩy mạnh triển khai trong năm 2017 nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo”. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Phi Long