Ông nông dân Sơn La biến “đoàn quân” ong thành... "cỗ máy" in tiền, thu vài trăm triệu mỗi năm

Hà Hoàng Thứ sáu, ngày 25/12/2020 06:05 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, ông Lê Văn Kính (ở bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nuôi “đoàn quân” hàng vạn con ong, thu về những giọt mật chất lượng, thơm đậm hương rừng. Nhiều người ví von ông Kính đã biến đàn ong thành những “cỗ máy in tiền”.
Bình luận 0

Thợ nuôi ong mật có tiếng một vùng

Ông Lê Văn Kính năm nay gần 70 tuổi, là thợ nuôi ong mật có tiếng tại xã Nà Nghịu. Sau vườn nhà ông là hàng trăm thùng ong mật được xếp dưới tán cây. Tiếng ong bay vo ve mà ông nghe trong bao năm qua tựa như một chất xúc tác, khiến ông Kính ngày càng đam mê loài vật tạo ra mật ngọt này.

Ông Kính cho biết, đến nay ông đã trải qua gần 18 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, trải qua nhiều đắng cay ngọt bùi trong nghề nhưng ông chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn, mà quyết tâm áp dụng các phương pháp chăm sóc để đàn ong sinh sôi nảy nở, cho chất lượng mật tốt nhất.

Lão nông biến “đoàn quân” ong thành... máy in tiền - Ảnh 1.

Lão nông biến “đoàn quân” ong thành... máy in tiền - Ảnh 2.

Ông Kính kiểm tra quá trình phát triển của đàn ong mật. Ảnh: H.H

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lê Văn Kính còn tích cực, năng nổ tham gia công tác xã hội ở khu dân cư và luôn được bà con nhân dân tin tưởng. Đặc biệt, giữa năm 2019, ông Lê Văn Kính đã đứng ra vận động các hộ nuôi ong tại địa phương thành lập Hợp tác xã nuôi ong mật huyện Sông Mã, với 15 thành viên. Hiện, thị trường tiêu thụ mật ong của gia đình ông và các thành viên trong hợp tác xã chủ yếu ở Thái Bình, Quảng Ninh và tỉnh Sơn La.

Chỉ cần nghe tiếng ong mật bay đi kiếm mồi về tổ, là ông biết tình hình đàn ong có ổn hay không. Gắn bó với đàn ong nhiều năm, nên ông Kính cảm nhận được ong khỏe hay yếu và chúng đang sống thế nào. Với ông, con ong là một phần của cuộc đời tựa như duyên trời định.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà rộng rãi, bề thế với đầy đủ tiện nghi, ông Kính cho biết: "Có được cuộc sống an nhàn và sung túc này, đều từ nuôi ong mà ra cả đấy. Tôi chăm chút cho đàn ong mật, chúng in tiền cho mình lo toan cuộc sống".

Theo ông Lê Văn Kính, nuôi ong mật giống như kiểu sống du mục, nay đây mai đó. Lúc đến mùa hoa nhãn, cam, bưởi thì ông còn được ở gần nhà cùng gia đình. Khi hết vụ hoa ở vườn, ông tất tả mang toàn bộ đàn ong lên rừng cho chúng kiếm ăn.
Muốn đàn ong mật phát triển khoẻ mạnh, bắt buộc người nuôi phải am hiểu địa lý và tập tính của loài ong, nắm bắt được mùa nào hoa nở rộ để di chuyển chúng đến nơi có nguồn mật hoa dồi dào. 

Thời tiết nắng mưa thất thường cũng là yếu tố quan trọng người nuôi ong cần để ý. Hàng ngày, người nuôi phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa…

Nhiều năm gắn bó với đàn ong mật, nâng niu chúng như những thành viên trong nhà, giờ đàn ong trả lại cho ông Kính những lít mật đặc sóng sánh và thơm mùi hương rừng.
Dẫn chúng tôi ra sau vườn tham quan, ông Kính cho biết vườn nhà đang đặt 80 thùng ong, còn 120 thùng khác ông phải đem gửi ở những hộ dân sống gần núi rừng.

Cuối chiều, đám ong đã đi kiếm ăn về. Ông Kính nhẹ nhàng đưa tay mở từng thùng ong ra kiểm tra. Vừa giơ cầu ong lên xem, ông Kính nở nụ cười tươi rói và nói: Các anh nhìn xem, mật vàng bám ở dưới thành. Trứng ong nhiều vô kể, chứng tỏ đàn ong này phát triển rất tốt, sẽ thu được nhiều mật lắm đây.

Chia sẻ bí quyết chăm ong như con

Lão nông biến “đoàn quân” ong thành... máy in tiền - Ảnh 4.

Sản phẩm ong mật của gia đình ông Kính và các thành viên HTX được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh thành. Ảnh: H.H

Theo kinh nghiệm của ông Kính, nghề nuôi ong mật vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi công việc này không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. 

Nuôi ong không tốn nhiều thời gian chăm sóc nhưng khó ở chỗ đòi hỏi người nuôi ông phải khéo léo, cẩn thận, có sức khỏe và cần mẫn chạy ong theo mỗi mùa hoa.

Ông Kính là người thạo nghề nên hiểu rõ "tính nết" đàn ong và có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, vệ sinh thùng cũng như trợ giúp để đàn ong vượt qua thời gian khan hiếm hoa. Khi thăm khu nuôi ong, ông Kính luôn đảo mắt khắp vườn.
"Nuôi ong mật sợ nhất là đám ong đất, vì chúng là kẻ thù không đội trời chung của đàn ong mật. Chỉ cần một con ong đất xuất hiện là nó nhảy vào ăn ong mật liên tục. Nếu để nó lọt vào thùng ong, coi như mình mất đàn ong đó" - ông Kính cho biết.

Để phòng chống ong đất làm hại ong mật, ông Kính thường mua quả dưa hấu rồi khoét lỗ, đám ong đất nhìn thấy sẽ bay vào ăn dưa hấu mà không phá hoại đàn ong mật. 

Ngoài ra, ong đất cũng rất thích thịt thối, chỉ cần bỏ vài miếng thịt xung quanh khu nuôi ong là chúng sẽ không phá ong mật.

Tiếp xúc với mấy trăm vạn quân mini mà ông Kính vẫn không làm xáo động cuộc sống của đàn ong.
Ông Kính nói: Tập tính của ong mật đòi hỏi nơi yên tĩnh, tránh gây tiếng động mạnh. Theo dõi đám ong thợ về, nếu 10 con về mà có khoảng 5 - 6 con mang theo phấn hoa và mật về, chứng tỏ tổ ong phát triển tốt. Ngược lại, nếu đám ong thợ cả 10 con đều về tay không thì tổ của chúng có vấn đề.

Hiện 200 đàn ong mật của ông Kính hoàn toàn tự kiếm ăn từ hương hoa của núi rừng và vườn tược. Ông không cho chúng ăn thêm đường nên mật thu được rất thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Mỗi năm ông Kính thu về hơn 900 lít mật, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem