Ôm đống nghề trong tay, ông nông dân ở Lai Châu thu cả tỷ đồng mỗi năm

Thanh Ngân Thứ tư, ngày 11/08/2021 13:01 PM (GMT+7)
Năng động, dám nghĩ, dám làm, một nông dân ở Lai Châu đã “phất lên” thành tỷ phú nhờ “ôm đống nghề” trong tay. Trồng sa nhân tím dưới tán rừng và chăn nuôi đại gia súc, mỗi năm ông nông dân này thu hơn 1 tỷ đồng.
Bình luận 0

Clip: Ôm đống nghề trong, ông nông dân Nguyễn Xuân Oanh – Giám đốc Hợp tác xã Xuân Oanh, ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thu cả tỷ đồng mỗi năm

Người mà chúng tôi nhắc đến trong bài viết này là ông Nguyễn Xuân Oanh – Giám đốc Hợp tác xã Xuân Oanh, ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ông Oanh là một trong 63 nông dân của cả nước được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021". Nhà ông Oanh nằm lọt thỏm giữa cánh rừng mỡ xanh tốt, cách Quốc lộ 4D gần 1km.

Tỷ phú rừng xanh

Khi chúng tôi đến, ông Oanh đang ngồi uống nước bên bộ bàn ghế kê ở góc sân. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Oanh rót nước mời khách rồi chậm rãi kể về chuỗi ngày gian khó trước khi ông "phất lên" thành tỷ phú từ trồng sa nhân tím dưới tán rừng và chăn nuôi đại gia súc.

Ôm đống nghề, ông nông dân ở Lai Châu thu cả tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Sau nhiều năm khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc, ông Trần Xuân Oanh, ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã biến cánh rừng hoang sơ ngày càng phát triển xanh tốt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Năm 2006, ông Oanh rời quê hương Ninh Bình lên Lai Châu làm nghề khai thác đá. Ông khai thác đá thuê cho một số mỏ đá trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó có mỏ đá ở Thôn Thống Nhất. 

Mỏ đá này nằm đối diện với khu rừng phòng hộ ở thôn Thống Nhất. "Khu rừng này khi ấy rất đẹp, có nhiều cây gỗ to, thẳng tắp. Cứ mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại vào đó chơi. Không lâu sau, khu rừng này thưa dần bởi những cây gỗ to lần lượt bị chặt hạ bởi một số người dân trong vùng. Chứng kiến cánh rừng bị "chảy máu" mỗi ngày, tôi cảm thấy rất xót xa. Và ý tưởng khoanh nuôi, tái sinh rừng trong tôi cũng nảy sinh từ đó" – ông Oanh nhớ lại.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Oanh tiếp tục kể: "Năm 2009, tôi đến gặp Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ để xin nhận khoanh nuôi tái sinh cánh rừng này. Lúc đầu ông ấy (Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ - PV) không mấy tin tưởng. Sau vài lần thuyết phục, ông ấy mới giao cho tôi làm thử một năm...".

Theo đó, đến năm 2010, ông Oanh mới được ký hợp đồng khoán khoanh nuôi tái sinh hơn 23ha rừng trồng kết hợp với chăm sóc bảo vệ gần 200ha rừng tự nhiên. 

Theo biên bản kiểm đếm, lúc bấy giờ trên diện tích hơn 23ha rừng đó, có khoảng 4000 gốc cây tái sinh và 64 cây gỗ có đường kính từ 14 – 25cm...

Ôm đống nghề, ông nông dân ở Lai Châu thu cả tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Oanh trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, với diện tích lên đến 8ha. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo ông Oanh, thời gian đầu nhận khoanh nuôi tái sinh cánh rừng đang bị "chảy máu" nghiêm trọng, ông gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Thế nhưng với tình yêu rừng vô bờ bến, ông Oanh đã từng bước giải quyết triệt để những khó khăn đó.

Ông Oanh bỏ tiền ra mua hơn 1,7 vạn cây giống (xoan, lát, mỡ...) về trồng vào những chỗ đất trống và thuê người đổ trụ bê tông, quây thép gai xung quanh ngăn ngừa trâu bò vào phá hoại. 

Trước sự chăm sóc, bảo vệ của ông Oanh, cánh rừng dần phục hồi và ngày càng phát triển xanh tốt. Năm 2014, ông Oanh đứng ra thành lập Hợp tác xã Xuân Oanh, với ngành nghề chính là trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, do ông làm giám đốc.

Phát triển chăn nuôi đại giá súc

Khi nhận khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng, ông Oanh đã mua lại một số diện tích đất nương của người dân bản địa. Những mảnh nương này nằm rải rác trong cánh rừng mà ông nhận khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ. 

Năm 2013, ông Oanh làm chuồng trại và mua trâu, bò về nuôi sinh sản và nuôi thương phẩm. Có thời điểm đàn trâu, bò của gia đình ông lên đến 80 con. 

Một thời gian sau, nhận thấy chăn nuôi trâu, bò vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, ông Oanh quyết định giảm đàn. Mấy năm nay, ông Oanh thôi không nuôi bò nữa, mà chỉ duy trì đàn trâu sinh sản, với tổng số 11 con, trong đó có 10 con cái, 1 con đực.

Ôm đống nghề, ông nông dân ở Lai Châu thu cả tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Theo ông Oanh, nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi trâu, bò. (Ảnh: Thanh Ngân)

Giảm đàn trâu, bò, ông Oanh chuyển hướng sang chăn nuôi ngựa bạch. Năm 2017, ông mua 13 con ngựa bạch về nuôi, trong đó có 5 con cái, 8 con đực. 

Ông Oanh tách thành 2 đàn, một đàn nuôi sinh sản, còn một đàn nuôi thương phẩm và làm chuồng trại ở 2 khu khác nhau. 

"Nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi trâu, bò. Một con ngựa 6 tháng tuổi bán ra thị trường có thể thu khoảng 30 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với bê con và nghé con. Hơn nữa, ngựa sinh sản mỗi năm 1 lứa, còn trâu thì phải mất từ 14 – 15 tháng mới được 1 lứa" – ông Oanh cho hay.

Theo ông Oanh, nuôi ngựa bạch cũng dễ như nuôi ngựa thường. Đối với ngựa bạch, trong quá trình trao đổi chất, hàm lượng dinh dưỡng lưu giữ trong xương nhiều hơn. Ông Oanh cho đàn ngựa bạch ăn cỏ voi và cỏ tự nhiên cộng với thức ăn có nhiều tinh bột như: Ngô hạt, chuối quả và thân cây ngô thời kỳ ra bắp non.

"Tôi cho đàn ngựa bạch ăn đều đặn mỗi ngày 2 bữa với các loại thức ăn như cỏ voi, cỏ tự nhiên và bổ sung thêm lượng tinh bột. Đối với ngựa đang nuôi con thì tôi tăng hàm lượng dinh dưỡng cho chúng bằng thức ăn tinh bột. Tôi không nuôi nhốt hoàn toàn, mà thỉnh thoảng thả đàn ngựa bạch vào khu rừng đã được rào xung quanh để cho chúng ăn cỏ mọc tự nhiên" – ông Oanh cho hay.

Ôm đống nghề, ông nông dân ở Lai Châu thu cả tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Chăn nuôi đại gia súc và trồng sa nhân tím dưới tán rừng, ông Oanh thu hơn 1,3 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Thanh Ngân)

Để có thể chủ động thức ăn cho đàn trâu và ngựa bạch, ông Oánh trồng 3ha cỏ voi và 3ha chuối và ngô. Hiện đàn ngựa bạch của gia đình ông Oánh lên đến 21 con, trong đó có 11 con cái. Năm 2020, bán 7 con ngựa bạch ra thị trường, với giá bình quân 65 triệu đồng/con, ông Oánh thu 450 triệu đồng.

Cũng từ năm 2017, ông Oánh đưa cây sa nhân tím vào trồng dưới tán rừng, với diện tích lên đến khoảng 8ha. 

Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng, chăm sóc cây san nhân tím, ông Oánh vui vẻ cho biết: "Trồng sa nhân tím không đòi hỏi khắt khe về kĩ thuật. Chỉ cần cuốc hốc rồi đưa cây giống vào trồng, chứ không cần phải bón phân gì cả mà chúng vẫn sinh trưởng tốt. Khi cây sa nhân bén rễ, tôi mới bắt đầu làm cỏ rồi bón phân cho chúng...".

Theo ông Oanh, sang năm thứ 3 cây sa nhân mới cho thu hoạch quả. Sau khi thu hoạch quả, ông tiến hành làm cỏ và làm cỏ đến đâu tôi bón phân đến đấy, chứ không đợi làm cỏ xong mới bón phân. 

Cây sa nhân rất thích hợp trồng dưới tán rừng. Cây sa nhân còn có tác dụng giảm nguy cơ cháy rừng vào mùa khô hanh...

Cũng theo ông Oánh, giá trị kinh tế mà cây sa nhân tím mang lại khá cao. Ông Oánh vừa bán cây giống vừa thu quả để bán ra thị trường. 

Chỉ tính riêng năm 2019, ông Oánh đã thu được hơn 200 triệu đồng từ bán cây sa nhân giống ra thị trường. Hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng cây sa nhân giống ông Oánh bán ra thị trường giảm mạnh. 

Đợt vừa rồi, ông Oánh thu được hơn 2 tấn quả sa nhân tím tươi. Bán ra thị trường với giá 75.000 đồng/kg, ông Oánh thu hơn 150 triệu đồng.

Cộng các khoản thu nhập từ trồng sa nhân tím, trồng chuối, chăn nuôi ngựa bạch, trâu sinh sản... mỗi năm ông Oánh thu hơn 1,3 tỷ đồng. Trừ tất cả các khoản chi phí, ông Oánh lãi trên dưới 400 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Oánh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem