dd/mm/yyyy

"Ôm" đống nghề trong tay, anh Thảo bỏ túi 400 triệu đồng mỗi năm

Nhờ làm đủ thứ nghề, như trồng bưởi, cam, xoài đến nuôi bò, gà, ngan, mỗi năm anh Đinh Công Thảo ở bản Giáo 1 xã Huy Tân, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nhẹ nhàng bỏ túi 400 triệu đồng.

Lập nghiệp trên vùng đất khó

Anh Thảo sinh năm 1974 ở bản Mùng, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khi lòng hồ thủy điện Hòa Bình ngập, gia đình anh Thảo vẫn ở quê cũ, nhưng di vén lên cao trong khi nhiều hộ đã chuyển đến tái định cư ở quê mới. Với khát vọng làm giàu, sau khi lập gia đình, anh Đinh Công Thảo đã vay mượn vốn của ngân hàng và anh em bạn bè để kinh doanh hàng tạp hóa. Làm ăn thuận lợi, gia đình anh Thảo đã tích lũy được một số vốn.

Năm 2016, gia đình anh Thảo quyết định chuyển vào định cư tại bảo Giáo 2, xã Huy Tân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các con học hành, vừa thực hiện ước vọng lập nghiệp trên quê mới. Trên vùng đất mới, với số vốn tích lũy được, anh Thảo đã có một quyết định táo bạo là đầu tư 500 triệu đồng mua 2 ha đất của người dân bản địa để trồng 1.500 cây cam Vinh, 200 cây bưởi Da Xanh và 200 cây xoài Đài Loan.

Ôm đống nghề, anh Thảo bỏ túi 400 triệu đồng - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao của anh Thảo.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thảo tâm sự: "Khi quyết định mua đất trồng cây ăn quả có múi, bạn bè nhiều người gàn tôi vì cho rằng, cây cam, cây bưởi chỉ thích hợp ở vùng có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao như các xã Mường Thải, Mường Cơi. Còn ở Huy Tân, nhiệt độ cao, đất đai khô cằn, cây cam khó mà trụ được".

Tuy nhiên, với ý chí và quyết tâm biến vùng đất khô cằn thành vườn cây ăn quả, vừa phủ xanh, đất trống, vừa có nguồn thu nhập cho gia đình, anh Đinh Công Thảo không quản ngại khó khăn đi thăm quan các vườn ở xã Mường Thải, Mường Cơi, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đồng thời tích cực học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng thành công mô hình cây quả có múi trên quê mới. Với điều kiện khí hậu không thuận lợi cho cây cam phát triển, anh Thảo xác định mình phải bỏ công gấp 2 lần-3 lần so với vùng trồng cam khác.

Ôm đống nghề, anh Thảo bỏ túi 400 triệu đồng - Ảnh 2.

Nhờ chăm sóc tốt, diện tích cam của nhà anh Thảo cho quả sai trĩu cành.

Năm đầu, anh Thảo đã đầu tư trên 1 tỷ đồng, gồm tiền mua đất, đào giếng khoan, lắp hệ thống tưới tự động, thuê nhân công cải tạo đất, mua cây giống, phân bón. Thời gian đầu, hầu như lúc nào anh cũng có mặt ở vườn cam, bưởi theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, trau dồi kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Đất không phụ công người, vườn cam, bưởi và xoài của gia đình anh Thảo phát triển xanh tốt, ra hoa kết trái.

Quả ngọt ở vùng đất mới

Khi cây phát triển ổn định, mỗi năm anh Thảo đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua phân bón và các phụ phẩm nông nghiệp bón cho cây. Sau 2 năm, với bàn tay cần cù, chịu khó, chăm chút của anh Thảo, bưởi Da Xanh và xoài Đài Loan đã cho trái ngọt với khoảng 2 tấn quả mỗi loại, thu gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Giai đoạn khó khăn những năm đầu qua đi, khi vườn cây không cần nhiều thời gian chăm sóc, anh Thảo mạnh dạn đầu tư nuôi bò vỗ béo bán ra thị trường.

Ôm đống nghề, anh Thảo bỏ túi 400 triệu đồng - Ảnh 3.

Để nâng cao thu nhập cho gia đình, bên cạnh việc trồng cây ăn quả, anh Thảo nuôi thêm bò nhốt chuồng.

Theo anh Thảo, ngoài thời gian chăm cây, anh có thời gian chăm sóc đàn bò, vừa tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng, vừa có nguồn thu nhập để tiếp tục đầu tư vào vườn cây. Mặt khác, anh Thảo bỏ vốn trên 20 triệu đồng xây hệ thống chuồng nuôi bò có máng để thức ăn, nước uống, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh Thảo còn trồng trên 300 m2 cỏ voi, tận dụng rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp chế biến thức ăn cho đàn bò. Mùa đông đảm bảo đủ thức ăn dự trữ vừa tinh vừa thô, những ngày giá rét, anh đốt lửa sưởi ấm cho đàn bò, tiêm phòng bệnh đầy đủ nên chỉ 2 tháng-3 tháng đàn bò đã béo tròn, đủ điều kiện xuất chuồng.

Anh Thảo chia sẻ thêm: "Vào mùa hè, đàn bò của gia đình anh có 20 con-30 con. Mùa đông, tôi chỉ nuôi trên dưới 10 con để tập trung chăm sóc cho tốt. Mỗi năm thu nhập từ nuôi bò vỗ béo, gia đình tôi có trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Không những vậy, tôi còn nuôi trên 100 con gà, ngan thả đồi để cải thiện cuộc sống và bán ra thị trường.

Ôm đống nghề, anh Thảo bỏ túi 400 triệu đồng - Ảnh 4.

Anh Thảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho hội viên, nông dân trong bản.

Sau 4 năm, cây cam của gia đình anh Thảo đã đứng vững trên mảnh đất khô cằn Huy Tân, bắt đầu cho ra quả bói năm 2019. Năm 2020, cây bắt đầu ra trái xum xuê, dự kiến thu 30 tấn quả. Hiện anh Thảo đã bán được khoảng 1/3 vườn cam. Để đạt lợi nhuận cao nhất, anh Thảo áp dụng kỹ thuật để giữ cho quả cam chín đúng vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Anh Thảo cho hay: Với thu nhập từ chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình anh có lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Trong năm 2021, tôi sẽ tiếp tục mua thêm đất, mở rộng vườn cam, học hỏi thêm kinh nghiệm để nâng sản lượng cam lên 40 tấn-50 tấn. Đồng thời tiếp tục nuôi bò vỗ béo để lấy ngắn nuôi dài, tăng nguồn thu. Bưởi và xoài Đài Loan chắc chắn sẽ tăng nguồn thu do đang vào giai đoạn cho năng suất ổn định.

Ôm đống nghề, anh Thảo bỏ túi 400 triệu đồng - Ảnh 5.

Sau nhiều năm cần cù chịu khó, đến nay vườn cây ăn quả nhà anh Thảo đã cho quả ngọt.

Ông Mùi Văn Mừng, chủ tịch Hội Nông dân xã Huy Tân cho biết: Anh Đinh Công Thảo là hội viên Hội Nông dân mới của xã nhưng đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả trên vùng đất khó, chăn nuôi gia súc, gia cầm để làm giàu trên quê mới. Đây là một trong những mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả của Hội Nông dân xã Huy Tân. Chúng tôi cũng đã đưa cán bộ, hội viên, nông dân trong xã đến tham quan, học tập mô hình làm kinh tế của hội viên Đinh Công Thảo để tuyên truyền, vận động hội viên khác học tập, làm theo. 

Ngoài ra, thực hiện phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã tiếp tục triển khai thực hiện một số mô hình khác được đầu tư trên địa bàn như mô hình lúa hữu cơ vụ xuân 2021 và chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các bản để nâng cao thu nhập, mức sống, góp phần thiết thực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tuệ Linh