dd/mm/yyyy

"Ôm" đống nghề, cựu binh mang thương tật vẫn bỏ túi 200 triệu đồng mỗi năm

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, cựu binh Quàng Văn Sơn ở Sơn La đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp: Trồng cây ăn quả, nuôi bò, gà thả đồi và đào ao thả cá. Nhiều người nói vui, ông Sơn "ôm" đống nghề mà vẫn bỏ túi 200 triệu đồng mỗi năm.

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chúng tôi tìm đến mô hình kinh tế tổng hợp của cựu binh Quàng Văn Sơn, 82 tuổi, dân tộc Thái, bản Giàn (xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Ông là thương binh hạng 4/4. Năm 1965, ông lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn D25, Quân khu Tây Bắc. Từ năm 1967 đến năm 1976, ông Sơn tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Phông Sa Lì (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào).

Đã 52 năm trôi qua nhưng cựu binh Quàng Văn Sơn vẫn nhớ như in lần đầu ông bị thương khi cùng đồng đội tham gia chiến đấu vào năm 1969. Ông kể: Trong một lần tôi thực hiện nhiệm vụ chuyên chở cán bộ chỉ huy bằng đường sông, nhưng không may bị máy bay địch phát hiện và ném bom từ trường. Do phải chịu sức ép quá lớn từ quả bom đã khiến tôi bị chùn xương sống. Ngoài ra, những mảnh bom văng trúng làm tôi bị thương ở mặt, bả vai và đốt sống cổ. Dù bị thương nặng nhưng tôi và đồng đội vẫn anh dũng chiến đấu và bắn hạ một máy bay T28 của địch.

Cựu binh chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Mô hình trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao của cựu binh Quàng Văn Sơn. (Ảnh: Tuệ Linh).

Năm 1976, ông Sơn được phục viên trở về địa phương và tiếp tục tham gia công tác vận tải đường thuỷ cho xã Mường Bú và huyện Mường La. Đến năm 1988, ông nghỉ hưu và trở về gia đình phát triển kinh tế. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơn nhớ lại: Trước đây, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhà đông con, bản thân tôi lại mang thương tật trên cơ thể đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, lao động và sinh hoạt thường ngày của cả gia đình.

Tuy nhiên, với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, bằng đôi bàn tay cộng ý chí, nghị lực không chịu khuất phục trước khó khăn, ông Sơn quyết tâm xoá nghèo, vươn lên làm giàu bằng cách đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, gà thả đồi và đào ao thả cá.

Cựu binh chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Cựu binh Quàng Văn Sơn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho những hộ gia đình có nhu cầu. (Ảnh: Tuệ Linh).

Thời gian đầu, do thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất nên ông Sơn đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Không chùn bước trước gian khổ, ông Sơn luôn nỗ lực từng giờ, từng ngày tăng gia sản xuất. Trời không phụ lòng người, sau nhiều năm gây dựng, đến nay mô hình kinh tế tổng hợp của ông đã cho quả ngọt. 

Mấy năm trở lại đây, gia đình ông Sơn có gần 1ha cây ăn quả; duy trì nuôi từ 4 đến 5 con bò sinh sản; hàng trăm con gà thả đồi và 2 ao cá. Tính riêng năm 2020, gia đình ông Sơn đã xuất bán được 5 con bò, hơn 700 con gà, hàng chục tấn nhãn, xoài, cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Cựu binh chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Để nâng cao thu nhập, ngoài trồng cây ăn quả, nuôi bò, nuôi gà, ông Sơn còn đào 2 ao rộng hàng nghìn m2 để thả cá. (Ảnh: Tuệ Linh).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù tuổi đã cao nhưng ông Sơn luôn đi đầu trong việc thực hiện các phong trào của địa phương. Mặt khác, là người có uy tín trong bản nên ông Sơn luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân nghe theo Đảng, Bác Hồ; tham gia xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Không những vậy, ông Sơn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để giúp đỡ những gia đình khó khăn trong bản, xã từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. 

Nhận xét về cựu binh Quàng Văn Sơn, ông Đặng Huy Toàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mường La, cho biết: Ông Sơn là một đảng viên, hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua do địa phương phát động. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, ông tham gia công tác tại xã và huyện, sau đó nghỉ hưu. 

"Ôm" đống nghề, cựu binh bỏ túi 200 triệu đồng - Ảnh 4.

Vào lúc nghỉ ngơi, ông Sơn dành thời gian giáo dục con cháu phải luôn chăm ngoan, học giỏi, nghe lời ông bà, bố mẹ. (Ảnh: Tuệ Linh).

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mường La, khi trở về với cuộc sống đời thường, ông Sơn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình; đồng thời giáo dục, động viên người dân và con cháu nghe theo Đảng, Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu; tích cực tham nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc, tiếp nối truyền thống của ông cha đi trước. Bên cạnh đó, ông Sơn còn tích cực vận động đóng góp các loại quỹ cho Cựu chiến binh và các gia đình khác khi Hội Cựu chiến binh huyện, xã phát động. 

Trong kháng chiến cũng như trong công tác và phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, ông Quàng Văn Sơn luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, ông nhiều lần vinh dự được Nhà nước tặng thưởng các loại Huân, Huy chương cao quý, Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Dù mang thương tật trong người nhưng điều đó không làm nản ý chí phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của cựu binh Quàng Văn Sơn. Mô hình kinh tế tổng hợp của ông là điển hình để cho các hội viên Hội Cựu chiến binh và thế hệ trẻ học tập và làm theo.

PV Tây Bắc