dd/mm/yyyy

OCOP, làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" được tỉnh Sơn La triển khai từ năm 2017. Đây là chương trình có ý nghĩa nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, gắn với lợi thế của mỗi vùng. Giúp nhân dân các huyện, thành phố phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng trở thành sản phẩm chủ lực có giá trịnh kinh tế cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 1.

Quá trình triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" đã thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNN, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La, cho biết: Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP được triển khai tại tỉnh Sơn La năm 2018. Sơn La là tỉnh có tiềm năng rất lớn trong việc thực hiện chương trình "mỗi xã một sản phẩm" vì có nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó một số sản phẩm đã có thương hiệu từ lâu như thịt bò khô, trâu khô và một số sản phẩm mới như hoa quả sấy dẻo, cá khô và các sản phẩm liên quan đến làng nghề… rất phong phú và đa dạng.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 2.

Sản phẩm nông nghiệp an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của tỉnh Sơn La.

Qua thực hiện Quyết Định số 490/QĐ-TTg về "mỗi xã một sản phẩm" của Thủ tướng chính phủ giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch 79 ngày 26/3/2019 để tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" đã cho thấy những hiệu quả, như: Xây dựng thương hiệu sản phẩm hiện có của tỉnh Sơn La, liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ và sản phẩm của các làng nghề... Quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn chặt với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 3.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La được xúc tiến quảng bá tại các hội chợ thương mại.

Sau 2 năm triển khai, đến nay tỉnh Sơn La đã xây dựng được 20 sản phẩm điểm tham gia chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc tạo thương hiệu sản phẩm chủ lực địa phương và mở rộng, liên kết thị trường tiêu thụ, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM tại các địa phương.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 4.

Cà phê Sơn La, một trong những sản phẩm đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh định hướng quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với tiềm năng thế mạnh ở từng địa phương. Thời gian qua, tỉnh Sơn La còn tổ chức tập huấn để nâng cao công tác quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm OCOP địa phương. Tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, lựa chọn các sản phẩm chủ lực phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 5.

Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao gia trị sản phẩm nông nghiệp của Sơn La.

Đánh giá về quá trình thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" tại tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công, thông tin thêm: Việc triển khai thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi nó góp phần phát triển mạnh mẽ thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền; phát huy triệt để tiềm năng lợi thế cho ngành du lịch, đặc biệt là du lịch canh nông. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm từng vùng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với sản phẩm OCOP địa phương. Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, HTX, nông hộ trong việc tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 6.

Sản phẩm trà măng tây xanh của huyện Bắc Yên.

"Đối với 20 sản phẩm điểm OCOP của Sơn La, hầu hết đều đã đạt được mức độ như sản phẩm của một số tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh… đang làm. Các sản phẩm này đã có thương hiệu trên toàn quốc và một số đã xuất khẩu ra nước ngoài, được thị trường đánh giá cao về chất lượng. Đây là các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền riêng có của tỉnh Sơn La", ông Công cho biết thêm.

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 7.

Sản phẩm cà phê Sơn La của HTX cà phê Bích Thao.

Theo đó, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La trong thời gian tới là tổ chức đánh giá, chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành rà soát, giới thiệu thêm các sản phẩm để xây dựng sản phẩm OCOP, để phát triển thêm nhiều OCOP địa phương hơn nữa. Song song với đó là tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX trong việc tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm.  

OCOP làn gió mới tiếp sức phát triển nông nghiệp Sơn La - Ảnh 8.

Thương hiệu sản phẩm OCOP mật ong Hồ Sâm.

Có thể nói, quá trình triển khai thực hiện Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" ở tỉnh Sơn La đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng. Đồng thời, nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ngọc Mai