Nuôi lươn đẻ ở chuồng heo cũ, lời mỗi tháng gần 10 triệu đồng

Thứ hai, ngày 11/02/2019 13:15 PM (GMT+7)
Nuôi lươn sinh sản không bùn là phương pháp nuôi mới được ông Đặng Văn Hai, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp 9B, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Bình luận 0

Năm 2017, ông Đặng Văn Hai tham gia mô hình "Nuôi lươn thương phẩm không bùn an toàn sinh học" do Trạm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang phối hợp Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) triển khai thí điểm cho nông dân trên địa bàn xã. Nắm vững kỹ thuật, sau khóa học, ông Hai tận dụng đất trống quanh nhà và sử dụng bạt nilon làm bể nuôi lươn...

img

Hội viên cựu chiến binh huyện Cai Lậy và xã Mỹ Thành Nam tham quan mô hình nuôi lươn sinh sản không bùn của ông Đặng Văn Hai.

Từ 30 cặp lươn sinh sản và 600 con lươn giống được hỗ trợ, sau 8 tháng nuôi, ông Hai khá thành công khi đàn lươn sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, ông Hai không xuất bán lươn thịt mà quyết định nuôi lươn sinh sản để nhân giống.

Với diện tích bạt nuôi 20m2, ông Hai sử dụng nguồn nước được lắng lọc kỹ, đảm bảo độ pH từ 5,5 đến 8,5 và dùng dây nilon làm giá thể để lươn trú ẩn. Ông Hai cho biết, lươn con sau khoảng 10 tháng nuôi, khi đạt trọng lượng từ 100g/con trở lên sẽ bắt đầu sinh sản.

Khi quan sát thấy trên mặt bể có mảng bọt nước, càng lúc càng to ra thì trong vòng một ngày lươn sẽ sinh sản. Khi trứng lươn nở, ông Hai vớt lươn con ra thau nhựa để ương dưỡng.

Theo ông Hai, việc chăm sóc lươn con cũng khá dễ dàng, lúc mới nở ông cho ăn trùn chỉ, sau đó chuyển sang cho ăn trùn quế. Khi lươn từ 1,5 - 2 tháng tuổi, ông cho ăn thức ăn viên công nghiệp và bắt đầu xuất bán con giống.

Năm 2018, ông Hai cung cấp hơn 20.000 con giống cho các hộ nuôi lươn thương phẩm ở địa phương và các xã lân cận, thu lợi nhuận khoảng hơn 100 triệu đồng.

Từ hiệu quả của mô hình, ông đã cải tạo hệ thống chuồng trại nuôi heo không còn sử dụng để mở rộng diện tích nuôi lươn sinh sản. Hiện nay, ông có 7 bể nuôi với tổng diện tích 140m2 mặt nước, thả nuôi 1.000 con lươn giống, trong đó có 400 cặp lươn bố mẹ đang sinh sản.

Ông Hai chia sẻ: "Quan trọng là việc sử dụng nguồn nước không nhiễm khuẩn, chọn con giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh thì sẽ đạt hiệu quả. Sau một thời gian lươn sinh sản, khi con giống đạt trọng lượng từ 250g/con trở lên thì tốt nhất chuyển sang nuôi vỗ béo để bán lươn thịt. Hiện nay, lươn thịt loại 1 có giá khoảng 130.000 - 160.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg, đây là nguồn thu hấp dẫn đối với nông dân".

Từ mô hình nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả của ông Hai, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp 9B, Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam đã khuyến khích hội viên tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để có thêm mô hình thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho hội viên, đặc biệt là hội viên có ít đất canh tác.

Trường Giang (Cổng TTĐT Tiền Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem