Bình Dương: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 nuôi gà trại lạnh, thu 800 triệu/tháng, nhưng bù lỗ 12 tỷ vì dịch Covid-19

Văn Dũng Thứ hai, ngày 25/10/2021 19:01 PM (GMT+7)
Với bản tính dám nghĩ, dám làm, lão nông Đinh Ngọc Khương ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã thành công với mô hình nuôi gà lạnh đẻ trứng, ấp trứng bán gà giống. Với mô hình này, bình thường mỗi tháng ông Khương thu về 800 triệu đồng, nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến ông phải bù lỗ tới 12 tỷ đồng.
Bình luận 0

Từ phụ hồ cho đến ông chủ trại nuôi gà tiền tỷ

Những ngày giữa tháng 10, khi dịch Covid-19 đã dần được khống chế, tỉnh Bình Dương cũng đã nới lỏng giãn cách xã hội. 

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà lạnh đẻ trứng, ấp trứng bán gà giống của ông Đinh Ngọc Khương (SN 1967, ngụ ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Ông Khương được mệnh danh "ông trùm" của mô hình nuôi gà trại lạnh ở tỉnh Bình Dương.

Clip: Ông Đinh Ngọc Khương, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). chia sẻ về cách chọn và chăm sóc gà bố mẹ để có chất lượng trứng tốt. Video: Văn Dũng

Ông Khương cho biết, năm 15 tuổi ông rời quê hương Nam Định đi vào Nghệ An làm phụ hồ và nấu cơm cho một tốp thợ xây, được 5 tháng thì hết việc, ông lại khăn gói đi ngược lên Cao Bằng để tìm việc nhưng không thành.

Nuôi gà lạnh đẻ trứng ấp lấy con giống, lão nông ở Bình Dương bỏ túi mỗi tháng 800 triệu - Ảnh 1.

Ông Đinh Ngọc Khương thành công với mô hình nuôi gà lạnh. Ảnh: Văn Dũng

Sau đó, ông Khương quyết định "Nam tiến" để tìm cơ hội thay đổi cuộc đời và tiếp tục bôn ba các tỉnh phía Nam với nhiều nghề như đạp xích lô, phụ hồ, bốc vác.

"Lúc đi tàu vào miền Nam, khi đến ga Nam Định, tôi bị kẻ gian móc túi lấy hết sạch tiền trên chính quê hương của mình. Lúc đó, không còn một đồng trong người nhưng tôi vẫn quyết tâm đi vào Nam để mưu sinh", ông Khương nhớ lại.

Nuôi gà lạnh đẻ trứng ấp lấy con giống, lão nông ở Bình Dương bỏ túi mỗi tháng 800 triệu - Ảnh 2.

Bên trong khu nuôi gà bố mẹ lấy trứng. Ảnh: Văn Dũng

Đến năm 2001, ông quyết định quay trở về huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để lập nghiệp với số tiền chắt chiu trong nhiều năm đi làm thuê khắp nơi.

Ban đầu, ông Khương đầu tư chăn nuôi bò và heo, nhưng bị dịch lở mồm long móng nên bị thua lỗ, chuyển sang nuôi gà gia công cho một công ty gần nhà.

Qua cơn bĩ cực, quyết tâm đầu tư "cỗ máy nhả vàng"

Năm 2012, với chút kinh nghiệm từ việc nuôi gà gia công, ông Khương quyết định vay mượn của gia đình, bạn bè đầu tư chuồng trại theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, tăng đàn lên 80.000 con gà.

Ông Khương cho biết, mô hình nuôi gà đẻ ứng dụng công nghệ cao là thay đổi trại hở thành trại kín, đóng la phông, che bạt, hệ thống kết nước để dẫn nước làm mát, đặc biệt, hệ thống thông gió làm mát chuồng với những cánh quạt khổng lồ.

"Nuôi gà truyền thống bấp bênh, hay bị dịch bệnh nên tôi quyết định chuyển sang nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Lúc đầu, tôi gặp khó khăn nhưng cố gắng duy trì đàn gà, vừa nuôi, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm", ông Khương chia sẻ.

Nuôi gà lạnh đẻ trứng ấp lấy con giống, lão nông ở Bình Dương bỏ túi mỗi tháng 800 triệu - Ảnh 4.

Hệ thống ấp trúng gà hiện đại được ông Khương nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Văn Dũng

Theo ông Khương, trang trại của ông nuôi gà theo 2 hình thức, trong đó hình thức cơ bản nhất là nuôi gà bố mẹ đẻ trứng, ấp nở ra gà con để cung cấp con giống ra thị trường.

Còn hình thức thứ 2, ông Khương sẽ cung cấp gà giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc cho người dân trong vùng nuôi gia công cho ông và trả công cho họ với mức 2.000 đồng/kg.

Nuôi gà lạnh đẻ trứng ấp lấy con giống, lão nông ở Bình Dương bỏ túi mỗi tháng 800 triệu - Ảnh 5.

Trứng gà khi đưa vào máy ấp được đánh số để biết được thế hệ di truyền nhằm tạo ra được sản phẩm tốt nhất. Ảnh: Văn Dũng

Thời gian đầu, ông Khương gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật chăm sóc, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, đầu ra sản phẩm bị ép giá...Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng với sự kiên trì, quyết tâm, ông chịu khó tìm hiểu thêm sách, báo và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi.

Đặc biệt, từ khi ứng dụng công nghệ cao, việc chăn nuôi gà đẻ thuận lợi hơn rất nhiều. 

Nuôi gà lạnh đẻ trứng ấp lấy con giống, lão nông ở Bình Dương bỏ túi mỗi tháng 800 triệu - Ảnh 6.

Máy ấp trứng thường xuyên được kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm để gà con nở ra được khoẻ mạnh. Ảnh: Văn Dũng

Với tổng diện tích trang trại 25.000m2, xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học, nuôi gà đẻ theo chuỗi quy trình khép kín, bình quân mỗi ngày, đàn gà bố mẹ cho 15.000 – 17.000 trứng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng ông Khương lãi ròng khoảng 800 triệu đồng.

"Để gà bố mẹ được khỏe mạnh, đạt năng suất cho trứng cao, tôi luôn cẩn thận trong việc chọn giống, thức ăn phù hợp, tiêm vắc xin đúng thời gian quy định, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình", ông Khương cho biết.

Với những nỗ lực không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi, tìm giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức trong những năm qua, ông Đinh Ngọc Khương đã được tỉnh Bình Dương đề cử, Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước xứng đáng được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"

Nuôi gà lạnh đẻ trứng ấp lấy con giống, lão nông ở Bình Dương bỏ túi mỗi tháng 800 triệu - Ảnh 7.

Với những quả trứng không đạt tỷ lệ, sẽ được soi để loại bỏ trước khi cho vào máy ấp. Ảnh: Văn Dũng

Ảnh hưởng dịch Covid-19, nông dân Dương Ngọc Khương phải bù lỗ 12 tỷ đồng

Mặc dù thành công với mô hình nuôi gà lạnh đẻ trứng, ấp lấy con giống, thế nhưng các đợt dịch Covid-19 vừa qua đã khiến ông Khương phải gồng gánh chi phí cao khi đầu ra gặp khó khăn vì giãn cách xã hội.

"Hơn 4 tháng bị phong tỏa do dịch Covid-19, tôi chật vật tìm đầu ra, chuối liên kết bình ổn giá để phân phối sản phẩm. Suốt thời gian này, đầu ra bị chặn đứng nên gia đình tôi phải bỏ ra khoảng 12 tỷ đồng để mua thức ăn và vắc xin cho gà", ông Khương nói.

Cũng theo ông Khương, khi dịch đã ổn định, ông dự định sẽ tìm thêm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng đàn và mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Hội nông dân huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) cho biết, ông Đinh Ngọc Khương là một nông dân dám nghĩ, dám làm.

Không chỉ chăn nuôi giỏi, ông Khương còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong khu vực, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ trẻ người nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhiều năm liền, ông được tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen vì đạt thành tích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem