Nuôi chim bồ câu đậu kín mái nhà của anh Chi hội trưởng nông dân ở tỉnh Sơn La khiến nhiều người mê tít

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ hai, ngày 17/01/2022 05:48 AM (GMT+7)
Với cách nuôi chim bồ câu hơi khác lạ của mình, anh Vừ A Cho (sinh năm 1987), bản Lốm Khiêu, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La khiến nhiều người nể phục. Khách ở xa tới tham quan mô hình nuôi chim bồ câu của anh Cho đều mê tít khi ngắm đàn chim đậu kín mái nhà.
Bình luận 0

Clip: Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Vừ A Cho, dân tộc Mông, bản Lốm Khiêu, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Ấn tượng với chúng tôi khi đến thăm gia đình anh Cho là đàn bồ câu tới cả trăm con đang đậu thành từng nhóm trên mái nhà. 

Sau một hồi ngẩn ngơ chiêm ngưỡng những chú chim bồ câu đang mải mê rỉa lông, nghiêng ngó hay gù gù cất tiếng gọi bạn, chúng tôi được anh Cho ra đón vào nhà. 

Niềm nở rót chén trà nóng ấm mời khách, anh Cho kể: Năm 2016, tôi tốt nghiệp chuyên ngành lâm sinh tổng hợp, khoa Nông lâm của Trường Đại học Tây Bắc.

Sơn La: Bí quyết nuôi chim bồ câu của Chi Hội trưởng nông dân người Mông - Ảnh 2.

Mỗi lần xuất bán ra thị trường, anh Cho bán 130 nghìn đồng/đôi chim bồ câu thịt. Ảnh: Tuệ Linh.

Không giống như nhiều thanh niên khác, sau khi tốt nghiệp sẽ cầm tấm bằng cử nhân đi khắp nơi để xin việc hoặc xuống các thành phố lớn làm thuê, anh Cho đã lựa chọn cho mình một hướng đi mới, đó là phát triển chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi chim bồ câu.

Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích nuôi chim bồ câu, cuối năm 2016, trong một lần đi thăm anh em họ hàng bên ngoại ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), nhận thấy ở đó nuôi nhiều chim bồ câu, nên anh Cho đã xin 3 đôi chim bồ câu bản địa và bồ câu Pháp về nuôi.

Sơn La: Bí quyết nuôi chim bồ câu của Chi Hội trưởng nông dân người Mông - Ảnh 3.

Đàn chim bồ câu bản địa và bồ câu Pháp của gia đình anh Vừ A Cho luôn phát triển tốt, nên tăng nhanh về số lượng. Ảnh: Mùa Xuân.

Nhờ chăm sóc tốt, sau hơn 5 năm phát triển đến nay, gia đình anh Cho có gần 500 con chim bồ câu bản địa, bồ câu Pháp. 

Theo anh Cho bồ câu bản địa trọng lượng nặng nhất từ 0,4 - 0,5 kg; còn bồ câu Pháp là 0,5 kg. Nhưng bồ câu Pháp lại phát triển chậm hơn so với bồ câu bản địa.

Hiện tại, anh Cho đang bán chim bồ câu thịt với giá 130.000 đồng/đôi; bán chim bồ câu giống với giá 120.000 đồng/đôi. 

Anh Cho khẳng định, bồ câu là giống chim khá dễ nuôi, ít bị bệnh tật và giá bán ổn định nên cho hiệu quả kinh tế cao. Chim bồ câu có thị trường dễ tiêu thụ hơn so với các loại gia cầm khác.

Sơn La: Bí quyết nuôi chim bồ câu của Chi Hội trưởng nông dân người Mông - Ảnh 4.

Trung bình một tháng chim bồ câu đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ 2 trứng, ấp sau 16 -18 ngày sẽ nở. Ảnh: Mùa Xuân.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, anh Cho, cho biết: Nuôi chim bồ câu rất dễ, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc như các loại vật nuôi khác. Nhưng để chim bồ câu sinh trưởng và phát triển tốt cần làm chuồng rộng, thoáng mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông.

Độ cao chuồng nuôi vừa phải, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đàn chim bồ câu có phát triển tốt và gắn bó với chủ nuôi.

Sơn La: Bí quyết nuôi chim bồ câu của Chi Hội trưởng nông dân người Mông - Ảnh 5.

Để chim bồ câu sinh trưởng và phát triển tốt, khâu làm chuồng là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với người nuôi. Ảnh: Tuệ Linh.

Bên cạnh đó, khi mới bắt đầu nuôi, số lượng chim bồ câu còn ít, người nuôi không nên ngó vào chuồng, chỗ chim bồ câu đang ấp trứng, dễ làm chim mẹ sợ, bỏ trứng mà đi. 

Đồng thời, bồ câu là loài chỉ tự tin sinh sống khi có số đông; vì thế, khi số lượng chim trong đàn còn ít thì không nên bán bớt chim bố mẹ. Bồ câu là loài rất thông minh, khi thấy đàn giảm nhanh là bồ câu rất sợ và sẽ bỏ đi nơi khác; hoặc ít nhất cũng hạn chế phát triển.

Nguồn thức ăn của chim bồ câu rất đơn giản chủ yếu là hạt ngô, hạt thóc, nên sẽ tiết kiệm chi phí, tránh được rủi ro; một ngày cho ăn 3 lần (sáng, trưa, chiều). 

Ngoài ra, nuôi chim bồ câu không phải cho ăn cám, nuôi theo hướng công nghiệp như ở các địa phương khác nên thịt ngon, chắc, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Sơn La: Bí quyết nuôi chim bồ câu của Chi Hội trưởng nông dân người Mông - Ảnh 6.

Thức ăn của chim bồ câu rất phong phú, nhưng gia đình anh Cho chủ yếu cho ăn hạt ngô do nhà tự trồng. Ảnh: Tuệ Linh.

Cũng theo anh Cho, bây giờ 2 loại chim bồ câu này đã lai tạo với nhau thành F1, F2, chính vì vậy mà chúng sinh sản và phát triển rất nhanh, trung bình một tháng sinh nở 1 lứa.

Khi đã nuôi thành công chim bồ câu, anh Cho còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, cho con giống cho bà con trong bản và ở các địa phương khác cùng nuôi để tăng thêm thu nhập.

Sơn La: Bí quyết nuôi chim bồ câu của Chi Hội trưởng nông dân người Mông - Ảnh 7.

Trọng lượng một con chim bồ câu từ khi mới nở đến khi cho xuất chuồng nặng từ 0,4 -0,5 kg. Ảnh: Mùa Xuân.

Chia tay anh Vừ A Cho với cái bắt tay chắc nịch, chúng tôi vẫn không quên câu nói của anh đó là bà con vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nuôi con gì, trồng cây gì luôn là điều anh Cho luôn trăn trở. 

Tin rằng, với những bước đi đúng hướng, hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu khá độc đáo của anh Cho sẽ là động lực để những hội viên nông dân bản Lốm Khiêu học tập, làm theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem