dd/mm/yyyy

Nước mắt ở những thủ phủ hồ tiêu mới nổi

Khi giá tiêu lên tới đỉnh, nhiều nông dân đã vội vã chặt cà phê để trồng tiêu. Nhiều vùng hồ tiêu với diện tích tăng chóng mặt. Giờ giá hồ tiêu xuống thấp, ở những thủ phủ hồ tiêu mới nổi, nước mắt đã thay cho nụ cười.


Cây cà phê bị phá để thay vào đó là những trụ tiêu xi măng

Canh bạc hồ tiêu

Hơn 5 năm trước, mặc dù ngành chức năng đã liên tục khuyến cáo song vì thời điểm đó giá hồ tiêu tăng vùn vụt, nhiều nông dân trong tỉnh bất chấp tất cả, ùn ùn kéo nhau trồng loại cây này. Trong đó, điều đáng tiếc nhất xảy ra tại huyện Đak Đoa (Gia Lai)-một trong những vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh, nhiều vườn cây phải thay thế bằng hồ tiêu.

Nam Yang là một trong những nơi trồng cà phê lớn nhất nhì, là xã điểm về phát triển kinh tế của huyện Đak Đoa. Hơn 5 năm trước, mặc dù nhiều vườn cây cà phê đang độ sung sức song vì sự “cám giỗ” nhiều nông dân đã chặt bỏ để trồng hồ tiêu.


Xã Nam Yang giờ đã bạt ngàn hồ tiêu

Anh Huỳnh Xuân Vinh (sinh năm 1979, trú thôn 1) cho biết, vùng này hồi xưa khổ lắm, nhờ cây cà phê mà đời sống mới khá dần lên, gia đình 10 anh em của tôi cũng như vậy, nhờ nó mà no ấm. Đến khoảng năm 2012, ở xã có người trúng vài vụ tiêu, cầm trong tay bạc tỷ quá dễ dàng khiến ai cũng ngỡ ngàng. Thế là từ đấy, không ai bảo ai, người người, nhà nhà thực hiện công cuộc nhổ cà phê để cắm trụ xi măng. Nhiều người không còn đất thì anh rủ em, cha rủ con sang các xã kế cận là Kon Gang, H’Neng xâm canh, thậm chí thanh niên trong xã còn chấp nhận bỏ trung tâm để vào sâu trong núi, ăn dầm nằm dề với hy vọng có ngày được cầm tiền tỷ.

“Nói chung, hồi đó cây cà phê cho thu nhập ổn định nhưng chăm sóc quá cực. Mọi tài sản trong nhà tôi có được đều từ cây cà phê, song vì muốn khá hơn thì phải chấp nhận mạo hiểm”, anh Vinh lý giải.

Đó là trên báo cáo, còn việc dân tự phát trồng tiêu thì rất có thể con số thực tế còn cao hơn nữa. Theo ông Lê Tấn Hùng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát PTNT huyện Đak Đoa, trước đây, khi cây tiêu bắt đầu phát triển “nóng”, huyện đã nhiều lần cử cán bộ xuống tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên chặt phá cà phê. Đợt đó, nhiều người nghe theo khuyến cáo, sau này đã lên trụ sở đòi kiện huyện vì đã ngăn cản họ làm giàu.

Thế là, nhà anh Vinh quyết định phá hơn gốc 1.000 gốc cà phê đang thời đỉnh thu hoạch, mua thêm đất để cắm 5.000 trụ tiêu. Anh tâm sự, thời gian đầu, hiệu quả thấy rất rõ khi công chăm sóc tiêu nhẹ nhàng và thu nhập cũng cao hơn cà phê nhiều lần. Tuy nhiên sau đấy, cây tiêu bắt đầu bệnh, chết, năng suất giảm mạnh và giờ thì giá cả quá thấp khiến ai cũng hoang man. “So với thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh thì hồ tiêu ở khu vực này thuộc loại non trẻ song đã bắt đầu bệnh, chết. Tuy ở đây chưa có vườn tiêu chết hàng loạt nhưng bệnh cũng đã nhiều, 1 rẫy chết từ vài chục đến trăm trụ đã không lạ. Giờ giá cả đã không cao, mà hồ tiêu vì bệnh nên năng suất thấp khiến ai cũng chán nản. Cũng may hồi đó nhà tôi giữ lại 1 rẫy cà phê để chống đói trong thời gian chờ tiêu cho thu hoạch, chứ không thì giờ này chắc cũng đừ người với lãi suất ngân hàng chứ chẳng chơi”, anh Vinh chia sẻ.

Nguy cơ vỡ trận vì tăng “nóng”

Việc chuyển đổi giống cây trồng nhằm nâng cao thu nhập là bài toán đau đáu cả đời người nông dân, song hiện nay hồ tiêu giá không ổn định, lại hay bệnh chết khiến người dân luôn đứng trước rủi ro rất lớn. Theo báo cáo, toàn xã Nam Yang có 1.700 hộ, 7.000 nhân khẩu, 99% là nông dân sở hữu khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp với 345 ha đất trồng hồ tiêu, trong đó 196 ha hồ tiêu đang kinh doanh. Toàn bộ diện tích hồ tiêu đều được dân chuyển từ đất trồng cà phê và bắt đầu ồ ạt từ năm 2012.

Việc này, theo bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên-phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang thì đó là con số thống kê của xã, chứ dân ở đây đi xâm canh nhiều nơi lắm, rất khó nắm rõ diện tích chính xác là bao nhiêu.


Anh Vinh bên trụ tiêu có dấu hiệu bệnh

Cũng theo bà Yên, trước đây, khi thấy dân phá bỏ cà phê để trồng tiêu, chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo, ngăn cản nhưng họ vẫn bất chấp, quyết chí làm giàu. Cái lý đưa ra là, dân làm chủ đất canh tác, nhu cầu thị trường cần gì thì trồng cây đó, họ tự bỏ tiền đầu tư, rủi ro tự chịu... Hiện tại, ở xã chưa nghe nói về trường hợp tiêu chết toàn vườn, chết hàng loạt, song chuyện tiêu bệnh, chết rải rác thì đã xảy ra nhiều trường hợp.

“Những năm trước, khi giá tiêu đang nóng thì mọi thứ đều bị cuốn theo, nhất là giá cả đất đai bị thổi phồng đến mức quá ảo. Dân trồng tiêu thì ai cũng vay ngân hàng, giờ đây giá cả đang giảm mạnh, dù chưa xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt song không thể không đề phòng”, bà Yên nói.

Chính vì vậy, bà Yên cho rằng rất hoan nghênh cơ quan báo chí cảnh báo sâu, rộng vấn đề này. Về phía xã thì sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động dân không nên mở rộng mà cố gắng chăm sóc cho tốt diện tích hồ tiêu hiện có, tránh tình trạng bể nợ như đã xảy ra ở huyện Chư Sê, Chư Pưh...


Những vườn tiêu đang có dấu hiệu bệnh chết ở xã Nam Yang

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây tiêu chỉ manh nha phát triển ở huyện Đak Đoa từ năm 2012. Nhưng chỉ 5 năm sau, diện tích hồ tiêu ở địa phương này đã lên thành 3.737ha, xấp xỉ thủ phủ hồ tiêu Chư Sê (3.740ha) và đã vượt xa thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh (2.888 ha).

“Đối với cây hồ tiêu, chủ trương của huyện là khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích. Hàng năm, huyện xuất ngân sách tổ chức hàng chục lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng bền vững, hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh”, ông Hùng nói.

Ngọc Linh