Hơn 20h ngày 18/10, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), nhấc máy điện thoại. Bà cho biết vừa ăn vội bữa cơm, do sắp sửa có một họp online ngay trong buổi tối. Trong ngày, bà cũng liên tục vừa giải quyết xong công việc ở nhà xưởng, rồi họp, tiếp nhận những khó khăn của doanh nghiệp trong Hội, chuẩn bị trình kiến nghị với các cơ quan, ban ngành liên quan.

"Hiện tôi làm xuyên suốt toàn thời gian, thật sự là tôi không có thời gian nghỉ vào cuối tuần, thậm chí làm đến nửa đêm", bà Chi nói vội và hẹn trả lời phỏng vấn vào chiều hôm sau.

Đây là lịch trình bận rộn của bà Lý Kim Chi kể từ khi dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp từ hồi đầu tháng 5. Giữ vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực từ chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đầu tư tài chính… Covid-19 lần thứ tư bùng phát, mọi tập trung đều đổ dồn về hàng thiết yếu nên bà Chi gần như dành hết thời gian cho mảng này.

Với vai trò Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, 5 tháng qua, bà đã theo sát các doanh nghiệp để hỗ trợ, cũng như kiến nghị đến Chính phủ, UBND TP.HCM để tháo gỡ các khó khăn, duy trì sản xuất an toàn, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân.

Nhận lời phỏng vấn nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Chi cũng dành nhiều thời gian để nói về nữ doanh nhân trên thương trường, yếu tố gia đình trong cuộc sống nữ doanh nhân, điều bà không thường hay nhắc đến trên truyền thông.


"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 1.

Thời gian qua, bà và các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm đã phải "vật vã" như thế nào trong cuộc chiến với dịch Covid-19?

Đại dịch đã khiến hầu hết doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ. Nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, lần đầu tiên có câu chuyện việc ăn ở sinh hoạt sản xuất tại chỗ, phát sinh rất nhiều vấn đề, từ chăm lo người lao động đến tăng cao các chi phí liên quan, trong khi doanh nghiệp chỉ có thể duy trì năng lực sản xuất trung bình từ 40-70% so với thời điểm bình thường theo mô hình "3 tại chỗ".

"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 2.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng đẩy hầu hết giá nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng cao từ 20-50%, chuỗi cung ứng có thời điểm đứt gãy do công tác kiểm soát phòng chống dịch của các địa phương liền kề. Doanh thu sụt giảm, có thời điểm lợi nhuận như bằng không, thậm chí còn bị lỗ vì chi phí tăng gấp 2-3 lần, gây ảnh hưởng rất lớn.

Vậy đâu là khó khăn lớn nhất suốt 4-5 tháng qua, thưa bà?

Khó khăn thì nhiều, không sao kể hết nhưng có lẽ khó khăn nhất chính là việc áp dụng chính sách về phòng chống dịch một cách thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Mối liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bộc lộ những hạn chế rõ nét qua việc điều phối chống dịch cũng như lưu thông hàng hóa, duy trì hoạt động sản xuất.

Thời điểm đầu thật sự là vô cùng gian nan, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đã hiện hữu.

Khó khăn là vậy nhưng đến nay, theo bà, tình hình đã có phần nào sáng sủa hơn chưa?

Phải nói là sau cơn mưa trời lại sáng, nhất là sau khi TP.HCM ban hành Chỉ thị 18 và mới đây Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 khi đã thống nhất các quy định chống dịch theo hướng "Sống chung, thích ứng an toàn với Covid 19" trên phạm vi cảnước.

Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi, kỳvọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và đến nay hầu hết doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm chúng tôi đã bắt đầu trong trạng thái bình thường mới và không còn nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất.


"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 3.

Đầu tháng 8, trong một cuộc họp online, bà nói rõ về vấn đề đứt gãy nguồn cung khiến sản xuất mì ăn liền tại TP.HCM gặp khó. Sau đó, bà cũng kiến nghị về việc sản xuất bánh mì không trơn tru, dù TP đã cho phép loại hình này hoạt động. Đằng sau đó là sự không đồng nhất giữa các địa phương trong chống dịch. Hai nhiệm kỳ giữ chức Chủ tịch FFA, tôi thấy bà rất quyết liệt, không ngại đóng góp ý kiến, sửa đổi quy định gây khó cho doanh nghiệp?

 Mặc dù, toàn bộ thời gian của tôi đều bị chi phối bởi một khối lượng rất lớn công việc từ nhiều mảng kinh doanh khác nhau nhưng tôi vẫn dành nhiều tâm huyết để không chỉ làm tròn vai Chủ tịch FFA mà còn tạo được tiếng nói uy tín cho hội. 

Điều tự hào nhất mà tôi đã làm được cho FFA và các doanh nghiệp trong ngành trong suốt 2 nhiệm kỳ là đã có nhiều kiến nghị kịp thời lên Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các kiến nghị đều nhận được phản hồi, sự vào cuộc nhanh chóng cũng như cụ thể thông qua các chính sách được ban hành từ Chính phủ. 


"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 4.

Những đóng góp hay đề xuất nào theo bà là quan trng nhất đã được Chính phủ hay các cấp qun lý tiếp thu?

Kiến nghị, đề xuất quan trọng nhất được Chính phủ tiếp thu, thay đổi, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn ngành lương thực thực phẩm và là cơ sở để các quy định mới được ban hành sau này tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, có lẽ phải kể đến việc Chính phủ ban hành Nghị định số15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38 quy định về Luật An toàn thực phẩm.

Nghị định 15 đặt dấu chấm hết cho một quá trình gian nan vì thủ tục hành chính bất hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp, phiền phức cho xã hội trong thời gian dài, giúp giảm trên 90% chi phí hành chính, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều ngày công và hàng nghìn tỷ đồng cho ngành lương thực thực phẩm. 

Mới đây nhất, chúng tôi đã cùng các hội ngành nghề khác cùng kiến nghị và đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã thực sựtháo gỡnhững rào cản giúp doanh nghiệp tự tin khôi phục sản xuất, khi đã thống nhất các quy định chống dịch trong bối cảnh mới trên phạm vi cả nước, kèm theo việc tạm dừng thực hiện Chỉ thị 15, 16.

Nói thì dễ nhưng làm được mới thật là khó. Bản thân mình không có ý chí, không có kiến thức, không quyết tâm theo đuổi sự việc đến cùng thì không thể có được kết quả như mong đợi. 

Nhưng thông thường, việc nói và góp ý quá thẳng sẽ đụng đến nhiều người, phải không thưa bà?

Nói thì dễ nhưng làm được mới thật là khó. Chính sách thay đổi không phải là điều dễ dàng và càng đóng góp ý kiến, càng quyết liệt thì sẽ không tránh được ảnh hưởng đến một bộ phận người có lợi ích liên quan.

Tuy nhiên, các vấn đề tôi nêu ra là đúng, hợp tình hợp lý, có trách nhiệm và giúp đem lại lợi ích cho số đông doanh nghiệp. Các kiến nghị đều rất kịp thời và sát sao với tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Tôi cho rằng phải làm tốt vai trò tham vấn cho Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để các chính sách, quy định khi ban hành có tính thực thi cao.


"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 5.

 

Là nữ doanh nhân, bà có gặp khó khăn gì trong việc lãnh đạo, điều hành công việc không?

Tôi từng là cán bộ nhà nước, rồi ra làm doanh nghiệp, làm công tác Hội đến giờ đã mấy chục năm. Cả một chặng đường dài, thành công từng nếm, khó khăn thăng trầm từng trải và đều vượt qua. Bây giờ thì không có gì có thể gọi là khó khăn cả.

Vậy theo bà, trong kinh doanh, giới nữ có thuận lợi gì hơn so với nam giới?

Trong thế trận cạnh tranh, không có sự phân biệt người điều hành doanh nghiệp là nam hay nữ. Thị trường vốn dĩ không có sự bình đẳng và cũng không ai đòi hỏi sự bình đẳng.

Tuy nhiên, từ thực tế bản thân tôi và những trải nghiệm trên thương trường, tôi thấy doanh nhân nữ có những ưu thế nhất định hơn so với nam giới, mà người ta gọi đó như là một quyền lực mềm trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Ðó là sự tinh tế và nhạy cảm với thị trường. Sự tinh tế được thể hiện rõ nhất trong sự tương giao với các đối tác, biết đặt mình vào cương vị người khác cũng như linh hoạt, mềm mỏng trong ứng xử với cấp dưới để họ cống hiến tài năng cho doanh nghiệp.Trong kinh doanh, triết lý biết mình biết người là rất quan trọng. Sự thận trọng cần thiết không bao giờ là thừa trước một quyết định, giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn.


"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 6.

Đó có phải là lý do khiến bà đảm đương vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn có thể chu toàn, nhất là trong đợt dịch vừa qua?

Tôi luôn tâm niệm rằng, góp thêm một tiếng nói, một việc làm có ích cho cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là góp phần làm cho đời sống người nông dân, công nhân được tốt hơn.Tôi luôn sống, làm việc và cống hiến hết mình bằng tình yêu dành cho mảnh đất này, đó là động cơ khiến tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi, nhất là lúc này tôi tự thấy bản thân càng phải làm nhiều hơn nữa.

Điều đó đồng nghĩa với việc, tôi luôn chủ động làm và cống hiến, chèo lái doanh nghiệp mình lớn mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên của FFA vượt qua khó khăn, phát triển, làm cho nền kinh tế TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn. Bản thân tôi thấy cuộc đời mình sống ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tôi cho rằng các thế hệ doanh nhân kế cận cũng giữ được tinh thần này, đồng thời, phải nhận thức đúng nghĩa vụ tham mưu và làm tốt vai trò cầu nối cho Nhà nước trong các quan hệ kinh tế, văn hóa và cả ngoại giao. 

"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 7.

Tôi rất thắc mắc một ngày của bà trước khi có dịch và hiện nay thay đổi như thế nào, bởi tôi liên lạc nhiều lần, bất kể đã hơn 20h nhưng bà vẫn đang trong cuộc họp?

Trước khi chưa có dịch thì tôi cũng làm việc liên tục từ 8h sáng đến 8h tối mới rời khỏi công ty. Còn hiện nay thì tôi làm xuyên suốt toàn thời gian, thật sự là tôi không có thời gian nghỉ vào cuối tuần, thậm chí làm đến nửa đêm nhưng luôn cảm thấy mình tràn đầy năng lượng. Đó là vì tôi yêu công việc, yêu mến và trân trọng cuộc sống này, luôn muốn làm việc có ích. 


"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 8.

Vậy còn chuyện gia đình thì sao, bà cũng làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và công việc?

Bản thân tôi cũng như bao nữ doanh nhân khác đều sắp xếp thời gian cân bằng để cùng lúc vừa hoàn thành vai trò là nữ doanh nhân vừa là người vợ, người mẹ trong gia đình.

Đối với tôi, gia đình giữ một vai trò rất quan trọng. Một gia đình phải biết cùng nhau chia sẻ trong mọi lúc, thấu hiểu và cùng chung lý tưởng để phấn đấu và thực hiện, bởi vì cuộc đời doanh nhân không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tốt đẹp. Có những lúc chưa ai cực khổ, vất vả bằng doanh nhân, cho nên nếu không có một gia đình tốt, thấu hiểu và chia sẻ thì không thể nào đủ sức mạnh để vượt qua.

"Nữ tướng" ngành thực phẩm:   Không ai đòi hỏi sự bình đẳng nam - nữ trên thương trường - Ảnh 9.

Đến giờ, tôi tự hào vì mình đã hoàn thành được trọng trách với xã hội và trách nhiệm của người vợ, người mẹ.

Công việc và gia đình bà đều đã tròn vai, nhưng bà từng chia sẻ rằng ước gì trẻ lại được 10 tuổi, để làm gì, thưa bà?

Tôi luôn tâm niệm, cho đi là hạnh phúc và đó là động lực để đến tận bây giờ tôi vẫn luôn làm việc miệt mài. Doanh nghiệp của tôi phát triển ổn định, con cái trưởng thành, có sự nghiệp. Ước mơ của tôi là mạnh khỏe mỗi ngày để làm việc và kiếm tiền. Đểtừ đó tâm huyết sẻ chia nhiều hơn cho người nghèo, người kém may mắn. Tôi muốn chung tay cùng cộng đồng đến với trẻ em nghèo ởnhững miền quê còn nhiều người khó khăn.

Và đại dịch lần này càng gia tăng thêm những mảnh đời khó khăn, hiện tại dù đã lớn tuổi và còn bộn bềvới nhiều lĩnh vực kinh doanh từ chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đầu tư tài chính, xây dựng khu công nghiệp... nhưng trong tôi luôn tràn đầy niềm tin và khát khao làm được nhiều điều hơn nữa cho những người kém may mắn trong cuộc đời. Chính vì thế, dù trước đây hay bây giờ thì nếu được tôi vẫn muốn ước mình có thể trẻ lại được 10 năm hoặc nhiều hơn nữa để hiện thực được điều đó nhiều hơn.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem