dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng để làm giàu

Từ bỏ thói quen thả rông gia súc ở vùng Nông thôn Tây Bắc, những năm gần đây, người dân tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo...

Nông thôn Tây Bắc đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Mấy chục năm trước, hầu như hộ nông dân nào ở xã Cò Nòi cũng nuôi trâu, bò thả trên nương và chủ yếu nuôi làm sức kéo cày, bừa trên đồng ruộng để trồng lúa, trồng ngô. Còn hôm nay, khi nông dân đã đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" đã dần biến mất ở các thôn, bản trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, thay vào đó, những hộ nông dân đã tập chung trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, phát triển đàn trâu, bò thương phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng: Hướng làm giàu của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc - Ảnh 1.

Việc thay đổi trong nhận thức và tập quán chăn nuôi của người dân đã góp phần quan trọng tăng số lường đàn trâu, bò trên địa bàn xã Cò Nòi. Ảnh: Văn Ngọc

Cuối tháng 12, những cơn mưa bụi lất phất, báo động một mùa đông lạnh giá lại đến, bởi cây trên rừng đang thời kỳ thay lá, cỏ dưới thung lũng đang dần héo khô. Với những hộ dân nuôi trâu, bò thương phẩm ở Cò Nòi, mùa đông là thời điểm gặp nhiều khó khăn nhất trong năm.

Bởi trong thời tiết giá rét của mùa đông, đàn trâu, bò nhất là những con nghé, con bê con rất dễ ốm và chết do sức đề kháng kém. Vì vợi việc bổ sung nguồn thức ăn, có các biện pháp chăn nuôi hợp lý, chủ động phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi là yếu tố rất quan trọng.

Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng: Hướng làm giàu của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc - Ảnh 2.

Chị Lò Thị Thin, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho đàn trâu, bò gia đình ăn thức ăn tươi. Ảnh: Văn Ngọc

Đến thăm hộ gia đình chị Lò Thị Thin, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi. Chị đang thực hiện việc ủ chua ngọn mía trong túi làm theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

Trước đây kinh tế của gia đình chị cũng chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc chỉ phục vụ cày kéo cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Cộng với đó, gia đình tận dụng được ngọn mía làm thức ăn ủ cho đàn trâu, bò. Gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 6 con bò để phát triển chăn nuôi theo mô hình nuôi nhốt, vỗ béo. Đến nay đàn trâu, bò của gia đình chị đã phát triển lên thành 20 con, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn so với trước đây.

Chi Thin chia sẻ: Ngọn mía được cắt đoạn khoảng 3-5cm trộn với muối, sau đó buộc kín ủ khoảng 1 tuần, khi ngọn mía lên men đem trộn với cám ngô để bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò. Bên cạnh đó, gia đình đã chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn bò theo đúng lịch và hướng dẫn của cán bộ thú y để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc trong mùa rét.

Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng: Hướng làm giàu của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc - Ảnh 3.

Mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay xã Cò Nòi có tổng đàn gia súc trên 15.500 con, trong đó đàn trâu 1.645 con, đàn bò 2.588 con,  đàn dê 1.077 con, đàn lợn 10.635con. Đàn gia súc sinh trưởng phát triển ổn định, tăng trưởng khá về tổng đàn.

Việc trồng cỏ và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc được chú trọng. Đến nay, toàn xã đã có hơn 20 ha diện tích trồng cỏ, loại cỏ được trồng chủ yếu là cỏ Voi, VA06…

Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng: Hướng làm giàu của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc - Ảnh 4.

Các hộ dân ở xã Cò Nòi đã chuyển đổi những mảnh đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ voi, VA06 để làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Nhân rộng cách làm hay trong Nông thôn Tây Bắc

Trao đổi với Phóng viên, Ông Lò Văn Thắng Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai đến nông dân trên địa bàn tập trung trồng cỏ voi làm chuồng trại nuôi nhốt, cơ bản hiện nay đàn gia súc trên địa bàn xã phát triển rất tốt.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cỏ nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo trên địa bàn đã có rất nhiều hộ chuyển sang hình thức nuôi nhốt, vỗ béo này. Kỹ thuật nuôi trâu, bò nhốt chuồng khá đơn giản. Chuồng trại được dựng nơi cao ráo, thoáng mát, không quá xa nhà để tiện kiểm tra và chăm sóc. Thức ăn nuôi trâu, bò chủ yếu là cỏ voi, ngọn mía ủ trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như: Ngô, khoai, sắn... để trâu, bò nhanh lớn.

Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng: Hướng làm giàu của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc - Ảnh 5.

Nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp chỉ sau vài tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Ảnh: Văn Ngọc

Để nhân rộng và phát triển phong trào nuôi nhốt gia súc, xã Cò Nòi còn chỉ đạo các bản, tiểu khu, tuyên truyền vận động bà con tận dụng nguồn đất đai để trồng cỏ voi phục vụ cho chăn nuôi, tăng cường áp dụng KHKT vào chăn nuôi.

Trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng: Hướng làm giàu của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc - Ảnh 6.

Người dân xã Cò Nòi tận dụng phụ phẩm nông nghiệp ngọn mía, cây ngô ủ để làm thức ăn nuôi trâu, bò. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể thấy, trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã khẳng định hiệu quả nhờ thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, hạn chế rủi ro, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, xã Cò Nòi tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, để bà con yên tâm sản xuất.

Văn Ngọc