dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Sơn Bình quyết giữ vốn rừng

Có lợi ích kinh tế từ rừng mang lại, người dân vùng nông thôn Tây Bắc - xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm giữ rừng...

Nông thôn Tây Bắc thay đổi cách nghĩ, nếp làm

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Phạm Văn Định – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, cho biết: Xã Sơn Bình có 7 bản, với hơn 900 hộ dân sinh sống. Toàn xã có hơn 6.300ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 6000ha, còn lại là rừng sản xuất và rừng trồng. Từ năm 2011 trở về trước, trên địa bàn vùng Nông thôn Tây Bắc này thường xuyên xảy ra cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Nguyên nhân chính là do người dân đốt nương không đúng quy định, dẫn đến cháy lan vào rừng. Tình trạng xâm lấn rừng, khai thác gỗ trái phép cũng diễn ra thường xuyên, khiến cho diện tích rừng của xã giảm xuống.

Sơn Bình giữ rừng - Ảnh 1.

Người dân xã Sơn Bình ngày càng nêu cao ý thức giữ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Từ năm 2012 trở lại đây, công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng của xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các bản trong xã hăng hái tham gia giữ rừng, phát triển rừng. Nhờ đó, tình trạng xâm lấn rừng, cháy rừng trên địa bàn xã giảm mạnh" – ông Định nhấn mạnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, xã Sơn Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị, tầm quan trọng của rừng. Hàng tháng, hàng quý, xã Sơn Bình tổ chức họp bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách đốt nương, phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa. Trong quá trình tổ chức thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường.

Sơn Bình giữ rừng - Ảnh 2.

Người dân xã Sơn Bình tiến hành phát dọn thực bì. (Ảnh: Thanh Ngân)

Hành động thiết thực để rừng Sơn Bình thêm xanh

Một trong những giải pháp quan trọng, được xã Sơn Bình thực hiện ngay từ đầu năm, đó là tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với từng hộ dân ở các bản trong xã. Xã cũng thực hiện giao khoán diện tích rừng do UBND xã quản lý cho các bản. Việc ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các bản trong xã cũng được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường thực hiện tốt. Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán bảo vệ, các bản thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của người dân. Mỗi hộ gia đình cử một người đại diện tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản. Các thành viên trong tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Anh Phủ Chính Phà là một thành viên tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản 46 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) chia sẻ: "Tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản từ nhiều năm nay, tôi cùng các thành viên trong tổ thường xuyên tiến hành tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, nhất là vào mùa khô. Không chỉ tuần tra, bảo vệ rừng, chúng tôi còn tiến hành sửa sang, làm mới đường băng cản lửa, dọn thực bì. Được chăm sóc, bảo vệ nên cánh rừng của bản ngày càng phát triển tươi tốt".

Sơn Bình giữ rừng - Ảnh 3.

Nhờ có sự tham gia tích cực của người dân trong việc giữ rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng ở xã Sơn Bình không ngừng tăng lên, đến nay đạt 57,5%.

Theo anh Định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân trong xã. Nhờ chính sách này mà người dân trong xã có thêm nguồn thu nhập ổn định. Bản Chu Va có diện tích rừng nhiều nhất xã, nên hằng năm các hộ dân trong bản được chi trả hơn 20 triệu đồng/hộ/năm tiền dịch vụ môi trường rừng. Với các bản còn lại thì bình quân mỗi hộ gia đình được nhận khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm tiền bảo vệ rừng. Người dân các bản trong xã sử dụng khá hiệu quả tiền bảo vệ rừng vào phát triển kinh tế gia đình.

"Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần khích lệ, động viên người dân trong xã tích cực tham gia bảo vệ rừng. Các bản trong xã đều đưa vào hương ước, quy ước nội dung bảo vệ rừng, để bà con cùng thực hiện. Nhờ có sự tham gia chăm sóc, bảo vệ của người dân, diện tích rừng trên địa bàn xã được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng của xã đạt 57,5%, cao nhất huyện Tam Đường" – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình thông tin.

 

Thanh Ngân