dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển kinh tế dưới tán rừng Mường Nhé

Phát triển kinh tế rừng đã đem lại "quả ngọt" cho đời sống người dân ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Những nương sa nhân bắt đầu cho thu hoạch, người dân một số xã đã có thể sống nhờ rừng.

Huyện Mường Nhé có hơn 125.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Với lợi thế, tiềm năng đó, huyện khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng. Đến nay, nhiều mô hình đã cho thu nhập ổn định.

Điển hình như mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng của gia đình bà Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong. Theo chia sẻ từ phía gia đình, trước đây nhà bà Mỷ thuộc diện khó khăn của xã. Hàng năm, ngoài việc làm nương như bao hộ khác trong bản, gia đình bà cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đủ chi phí trang trải cuộc sống cho 6 nhân khẩu. Không cam chịu đói nghèo, nhận thấy điều kiện thuận lợi của núi rừng, năm 2016 gia đình bà Mỷ đã tìm hiểu, quyết định trồng gần 1,5ha sa nhân tím dưới tán rừng.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển kinh tế dưới tán rừng Mường Nhé   - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng của gia đình bà Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ảnh: Thu Hường

Sau 2 năm trồng, diện tích sa nhân của gia đình bà Mỷ bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Mỷ thu nhập đều đặn trên 50 triệu đồng từ sa nhân.

Bà Mỷ chia sẻ: Nhiều năm trước, người dân chưa hiểu rõ giá trị kinh tế của giống cây này nên không tham gia mô hình. Song qua thực tế, cây sa nhân tím rất dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân cũng được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm.

Tại xã Sín Thầu, xác định rừng sẽ mang lại đa lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế, những năm gần đây, người dân trên địa bàn luôn làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, từ năm 2013, sau khi mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng do ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ triển khai mang lại hiệu quả, nhiều người dân trên địa bàn xã đã tìm mua hoặc xin hỗ trợ giống cây này từ các chương trình, dự án phát triển sinh kế của huyện về trồng dưới tán rừng. Đến nay, toàn xã có gần 50ha sa nhân, trong đó trên 60% diện tích đã được thu hoạch.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển kinh tế dưới tán rừng Mường Nhé   - Ảnh 3.

Phát triển kinh tế rừng đã đem lại “quả ngọt” cho đời sống người dân Mường Nhé. Ảnh: Thu Hường

Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chung tay giữ rừng. Cùng với đó, khuyến khích bà con tận dụng tối đa diện tích đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế; đồng thời coi đây là một trong những hướng đi giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Qua phân tích của cơ quan chức năng, những năm gần đây, mô hình trồng cây dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ rừng mà còn hạn chế tình trạng cháy rừng, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Riêng đối với huyện Mường Nhé, phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi đã được nhiều người dân lựa chọn, nhất là mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 134ha cây sa nhân tím; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Đến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển kinh tế dưới tán rừng Mường Nhé   - Ảnh 4.

Hiện nay, toàn huyện Mường Nhé có khoảng 134ha cây sa nhân tím; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu, Nậm Kè, Huổi Lếch, Pá Mỳ . Đến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Xác định tầm quan trọng của rừng, trong đó có lợi ích về kinh tế, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra đó là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng "công nghiệp xanh"; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; tạo các sản phẩm theo chuỗi có giá trị kinh tế cao nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Bên cạnh đó, huyện cũng phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 2 dự án khai thác quỹ đất lâm nghiệp để trồng 13.500ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây trồng đa mục đích, như: Mắc ca, dổi, cây dược liệu, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.


Thu Hường