dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Nuôi trâu gầy thành béo, nông dân thu trăm triệu mỗi năm

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, chăm sóc tốt.. là cách phát triển kinh tế gia đình được đánh giá cao tại vùng nông thôn Tây Bắc.

Clip: Nuôi trâu gầy thành béo, nông dân thu trăm triệu mỗi năm


Cách làm hay ở vùng Nông thôn Tây Bắc

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Cò Nòi chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Xuân, bản Bó Hặc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn vào đúng lúc lão nông vùng Nông thôn Tây Bắc đang cho đàn trâu ăn. Chúng tôi được tận mắt nhìn đàn trâu trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán, con nào con nấy đều béo chắc.

Trước kia, anh Xuân sinh sống chủ yếu bằng việc trồng ngô, trồng sắn, nhưng do cây trồng trên nương không hiệu quả, trong khi chăn nuôi lợn lại lúc được lúc mất do dịch bệnh và giá lợn hơi thất thường. Do vậy, thu nhập kinh tế của gia đình anh hạn hẹp, điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cùng với đó rơm rạ, lá mía của người dân thu hoạch sau mỗi vụ vứt thừa thãi, hoang phí. Với nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ họ hàng anh Xuân đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng.

Nông thôn Tây Bắc: Nuôi trâu gầy thành béo, nông dân thu trăm triệu mỗi năm  - Ảnh 1.

Anh Lò Văn Xuân, bản Bó Hặc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho đàn trâu gia đình ăn thức ăn tươi. Ảnh: Văn Ngọc

Vừa nhanh tay ủ lại bao thức ăn cho đàn trâu trên 15 con trâu đen bóng đang nhai cỏ trong chuồng, anh Xuân chia sẻ: Tôi nuôi trâu vỗ béo hình thức nhốt chuồng này được hơn 2 năm, hiện tại trang trại này có 15 con trâu, mỗi con ăn khoảng 50-60 kg cỏ/ngày. Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn trâu, tôi trồng thêm 0,5 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ủ cây ngô, ngọn mía trong kho làm thức ăn dự trữ. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn trâu luôn được bảo đảm, không lo thiếu, kể cả trong suốt mùa đông lạnh giá".


Nông thôn Tây Bắc: Nuôi trâu gầy thành béo, nông dân thu trăm triệu mỗi năm  - Ảnh 2.

Nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, chỉ sau vài tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Ảnh: Văn Ngọc

Cách nuôi trâu vỗ béo của anh Xuân là tìm mua những con trâu gầy, trâu khung đưa về tẩy giun sán, tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh. Hàng ngày cho trâu ăn 2 lần, sáng và chiều cỏ tươi kết hợp thức ăn tinh như cám, bột ngô bổ sung vitamin. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ được anh chú trọng.

Bí quyết làm giàu từ nuôi trâu vỗ béo

Anh Xuân cho biết: Khi ủ thức ăn cho trâu, anh không đào hố ủ thức ăn mà ủ luôn vào bao và chia luôn theo khẩu phần, ăn bữa nào lấy bữa đấy, không để thức ăn bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của đàn trâu. Có thời điểm, anh ủ được hàng tấn thức ăn, đủ để đàn trâu ăn cả năm.

Trong quá trình nuôi trâu, anh Xuân cũng có thói quen ghi chép sổ sách từng ngày, mỗi con trâu 1 ngày ăn hết bao nhiêu kg thức ăn, bao nhiêu phần thức ăn là cám, bao nhiêu phần thức ăn là cỏ voi, thức ăn ủ… đều được anh ghi chép cụ thể, chi tiết trên từng trang giấy. Nhờ ghi chép từng ngày, đến lúc bán một con trâu  anh tính toán được lời lãi như nào để tính tiếp.

Đặc biệt nuôi trâu phải tuân thủ nghiêm việc tìm ngừa vacxin phòng bệnh định kỳ theo khuyến cáo ngành chuyên môn địa phương.

Với kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo chuẩn, khoa học nên đàn trâu của anh Xuân lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán với giá trên 60 triệu đồng.

"Trong một năm, gia đình tôi bán trâu thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con trâu đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 45- 55 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng", anh Xuân cho biết.

Hiện nay, mong muốn nhất của anh Xuân là có đủ đất, đủ vốn để xây dựng một trang trại chăn nuôi đủ lớn có thể xử lý được lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra mỗi ngày và tận dụng nguồn phụ phẩm này "đẻ" ra tiền. Hiện, toàn bộ chất thải chăn nuôi, gia đình anh tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Nông thôn Tây Bắc: Nuôi trâu gầy thành béo, nông dân thu trăm triệu mỗi năm  - Ảnh 3.

Nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng hàng ngày cho ăn 2 lần, sáng và chiều kết hợp cỏ tươi thức ăn tinh như cám, bột ngô bổ sung. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: Nhận thấy nhu cầu nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo của bà con nông dân trên địa bàn xã Cò Nòi là một hướng đi mới, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền tạo điều kiện để người nông dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt địa bàn xã là một trong những vùng trồng mía lớn của tỉnh, nông dân có thể tận dụng lá mía, ngọn mía để làm thức ăn cho trâu bò.

Nông thôn Tây Bắc: Nuôi trâu gầy thành béo, nông dân thu trăm triệu mỗi năm  - Ảnh 4.

Anh Lò Văn Xuân, bản Bó Hặc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn che chắn lại chuồng trại , đảm bảo giữ ấm cho đàn trâu của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Lò Văn Xuân đang được nhiều hộ chăn nuôi ở trên địa bàn xã Cò Nòi áp dụng và học tập. Ðây cũng là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trâu, bò của huyện Mai Sơn đang đem lại hiệu quả cho nông dân.

Trong thời gian tới, để phát triển đàn trâu, bò bền vững và ổn định hơn, ngành nông nghiệp huyện Mai Sơn kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng liên kết với người nuôi để cấp con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra trâu bò cho nông dân. Từ đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi trâu, bò ở huyện một cách bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới.

 

Văn Ngọc