dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Nuôi nhím và dế để làm giàu

Ở vùng Nông thôn Tây Bắc có những nông dân chọn cách làm ăn mới và đã thành công không nhỏ như anh Cà Văn Đoàn ở Mường La (Sơn La) chọn nuôi nhím và dế

Nhờ nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, chọn vật nuôi phù hợp, anh Cà Văn Đoàn, bản Tạ Búng (xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã chuyển sang nuôi nhím và dế choắt, mỗi năm anh đút túi gần 300 triệu đồng. Nhờ nuôi nhím và dế, cuộc sống của anh Đoàn đã đổi thay và thoát nghèo.

Với cách làm kinh tế khác người, bước đầu anh Cà Văn Đoàn, dân tộc Thái, bản Tạ Búng đã thành công từ mô hình nuôi nhím và dế choắt. Theo anh Đoàn chia sẻ, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng ngô và sắn, cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Nhất là thời điểm anh mới lập gia đình, thương bố mẹ quá nên suy nghĩ cách tăng nguồn thu nhập, thoát khỏi cảnh bần hàn cơ cực. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hiểu, anh không chọn những con vật nuôi quen thuộc để phát triển kinh tế mà quyết định chọn nuôi nhím và dế choăt. "Tôi nghĩ, giờ các nhà hàng và dân nhậu hay tìm mua những con đặc sản, để tụ tập ăn uống nên quyết định nuôi loại vật và côn trùng này", anh Cà Văn Đoàn, bản Tạ Búng (xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) nói.

Nuôi nhím và dế phát triển kinh tế, anh nông dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Anh Đoàn đang kiểm tra sức khoẻ của đàn nhím trong chuồng. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo kinh nghiệm của anh Đoàn, nuôi nhím so với các loài vật nuôi khác thì nhím có sức đề kháng tốt hơn, vì nhím vốn là loài động vật hoang dã rất ăn tạp. Thời tiết nóng hay lạnh đều sống tốt, ít dịch bệnh. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần người nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo và cung cấp thức ăn đầy đủ là nhím sinh trưởng và phát triển tốt.

Mỗi năm nhím đẻ 2 lần, mỗi lứa từ 1 – 3 con, thông thường là 2 con. Anh Đoàn chia sẻ, khi nhím mẹ đẻ được hơn 1 tháng, anh phải tách nhím con ra ở chuồng riêng để nhím mẹ tiếp tục phối giống ở chu kỳ sinh sản tiếp theo. Nhím con sau khi nuôi được khoảng 10 tháng sẽ đạt trọng lượng trung bình 10 kg, bắt đầu cho sinh sản đối với nhím giống và xuất bán với nhím thương phẩm. Yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại trong nuôi nhím là phải chọn được con giống tốt: Nhím giống phải chọn những con to, khỏe, đẻ tốt.

Nuôi nhím và dế phát triển kinh tế, anh nông dân thoát nghèo - Ảnh 2.

Một cặp nhím được anh Đoàn bán tại chuồng với giá khoảng 9 triệu đồng. Ảnh: Hà Hoàng.

Nhím cho chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng nên nuôi được bao nhiêu, khách hàng mua hết đến đó. " Nuôi nhím rất nhàn, thức ăn của nó chủ yếu là: Củ sắn, ngô, khoai và các loại rau, củ, quả khác. Sau một thời gian nuôi nhím, cuộc sống của tôi đa đổi thay hẳn. Ngoài bán nhím thịt, tôi còn bán nhím giống với giá hơn 9 triệu đồng/cặp".

Nuôi nhím và dế phát triển kinh tế, anh nông dân thoát nghèo - Ảnh 3.

Ngoài nuôi nhím, anh Đoàn còn nuôi cả dế để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: Hà Hoàng.

Tiếp câu chuyện với PV, anh Cà Văn Đoàn chỉ tay vào 1 nhà kho lợp mái tôn sập sệ, rồi anh khoe: "Em có thấy nhà kho kia không? trông rách nát như vậy thôi nhưng ở trong kho đó có 1 báu vật giúp a kiếm bạc triệu/tháng đấy". Vừa dứt lời xong, anh Đoàn dẫn tôi vào trong nhà kho xem, lúc đó tôi tưởng thứ gì cao sang mà khiến anh tâm đắc và nói tự tin đến vậy. Tuy nhiên, khi vào trong nhà kho  hiện ra trước mắt tôi là các thùng gỗ, khay giấy đựng trứng đã qua sử dụng, trong đó có nhiều vô số đàn dế bò lúc nhúc trông như đàn kiến đen vậy.

Nuôi nhím và dế phát triển kinh tế, anh nông dân thoát nghèo - Ảnh 4.

Hiện nay, dễ là 1 trong những loại côn trùng đặc sản được các dân nhậu ưa thích, nên giá cả luôn ở mức cao. Ảnh: Hà Hoàng.

Anh Đoàn kể: "Để có đàn dế nuôi nhiều như thế này, tôi phải lên mạng facebook đặt mua con giống về nuôi đấy. Lúc mới bắt đầu nuôi tôi cũng gặp 1 chút trở ngại về quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nhất là thời điểm dế đẻ trứng, nở con, tách đàn nên hiệu quả chưa cao. Sau đó, tôi tìm hiểu cách chăm sóc trên mạng internet, nhờ vậy tôi mới nắm vững kỹ thuật từ khâu ấp trứng, gây đàn cho đến lúc xuất chuồng".

Theo kinh nghiệm của anh Đoàn, thời gian nuôi dế từ lúc bé đến lúc trưởng thành khoảng 30 ngày, chu kỳ này thường kéo dài hơn vào mùa đông. Chuồng trại phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió. Vì loài dế rất mẫn cảm với thời tiết. Nguồn thức ăn cho dế khá đơn giản như: Lá  chuối, ngô xay, lá sắn, rau mồng tơi, cám gạo… Trong một chu kì thu hoạch dế, người nuôi phải dọn vệ sinh khoảng 4 lần, để tạo môi trường cho đàn dế khoẻ mạnh và đạt chất lượng. Dế bán trên thị trường hiện có giá dao động từ dao động từ 160.000 – 170.000 đồng/kg.

 "Mỗi tháng tôi xuất bán khoảng 100kg dế, bình quân 1 năm kiếm được 120 triệu đồng. Nếu tính cả bán nhím nữa thì trung bình 1 năm tôi lời gần 300 triệu đồng"- anh Cà Văn Đoàn nói.

Hiện nay, trên thị trường dế và thịt nhím được coi là 1 trong những loại côn trùng và động vật đặc sản. Nhiều quán nhậu, nhà hàng đều thu mua với số lượng lớn để phục vụ người tiêu dùng. Vì được người tiêu dùng ưa thích nên giá dế và nhím bán được giá khá cao và ổn định, lúc nào cũng nằm trong diện khan hàng.

Hà Hoàng