dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Nỗ lực phát triển chăn nuôi bền vững

Lựa chọn con giống tốt; phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đẩy mạnh chăn nuôi bền vững, quy mô tập trung là những giải pháp hữu hiệu...

Các mô hình chăn nuôi bền vững cho thu nhập cao

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Sơn La có trên 400 con trâu, hơn 6.300 con bò; gần 2.800 con dê; gần 24.500 con lợn, hàng trăm nghìn con gia cầm. Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi trên địa bàn còn phân tán, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao, việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi chưa đồng bộ, nhận thức của người chăn nuôi trong công tác cải tạo giống và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hạn chế. Tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Trước tình trạng đó, thành phố Sơn La tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang nuôi theo hướng tập trung, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi.

Nông dân Tây Bắc: Nỗ lực phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 1.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Sơn La áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc, lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo.

Nhận thấy, trên 2ha cà phê của gia đình là điều kiện lý tưởng cho việc kết hợp chăn nuôi gà thả vườn; tán cà phê giúp chắn nắng cho gà, phân gà và thức ăn rơi vãi lại làm phân bón cho cà phê. Năm 2018, gia đình anh Lò Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La), đã đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống  phát triển mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô lớn, trung bình 2 vạn con mỗi năm, chia làm 5 lứa nuôi gối nhau, mỗi lứa 5.000 con.

Với phương pháp nuôi gà an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình anh không phải lo nhiều về khâu tiêu thụ. Đàn gà cứ đến ngày xuất bán là có thương lái đến tận trang trại thu mua, giá bán trung bình khoảng 90.000 – 100.000đồng/kg. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Chiến thu lãi từ hơn 1 tỷ đồng. Cũng theo anh Chiến, để việc chăn nuôi hiệu quả cáo đó chính là, phương pháp chăn nuôi, chọn giống…

"Giống gà mía được lựa chọn để chăn nuôi, gà này rất thích hợp nuôi tại địa phương, giống gà khỏe, ít bệnh cho chất lượng thịt rất tốt. Gà có nguồn gốc giống rõ ràng nên gia đình hoàn toàn yên tâm trong việc chăn nuôi của mình. Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch bệnh được anh Chiến thực hiện thường xuyên, chính vì vậy đàn gà của gia đình anh luôn khỏe mạnh, hâu như không xuất hiện dịch bệnh.", anh Chiến nói.

Nông dân Tây Bắc: Nỗ lực phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 2.

Trang trại nuôi gà thả vườn của gia đình anh Lò Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) cho thu 500 triệu đồng mỗi năm.

Còn đối với gia đình ông Quàng Minh Văn, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, (Sơn La), tận dụng diện tích đất vườn xa khu dân cư, gia đình ông đã đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín với đèn sưởi, máng ăn tự động, hệ thống mái áp chống nóng, hệ thống quạt làm mát,… để chăn nuôi lợn nái, lợn thịt.

Bên canh đó gia đình ông đã  sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ xử lý chất thải (hầm biogas, đào ao xử lý chất thải), làm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi lợn, giảm dịch bệnh cho đàn lợn. Hiện nay gia đình ông duy trì nuôi khoảng 60 lợn nái và gần 1.000 lợn thương phẩm mỗi năm. Với giá lợn hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu về lại về hơn 500 triệu động.

"Trong chăn nuôi lợn, điều đầu tiên mình phải trau dồi vốn kinh nghiệm. Đặc biệt, chăn nuôi lợn phải làm quy mô lớn chứ nuôi nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi”, ông Văn nói.

Nông dân Tây Bắc: Nỗ lực phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 3.

Chăn nuôi lợn quy mô lớn, giúp gia đình ông Quàng Minh Văn, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, (Sơn La) có thu nhập cao.

Phát triển chăn nuôi bền vững tạo nguồn hàng hoá mạnh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sơn La cho biết: Thành phố với 1.575 hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố, 260 hộ chăn nuôi có bể khí sinh học biogas, gần 500 hộ áp dụng chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn không chỉ áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc, lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo, mà còn thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng chủ động nguồn thức ăn, nước uống và cách phòng dịch bệnh hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay, số trang trại có quy mô lớn trên địa bàn thành phố Sơn La chưa nhiều. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu theo kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường hạn chế.

Nông dân Tây Bắc: Nỗ lực phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 4.

Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, trang trại.

Định hướng chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, thành phố Sơn La tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn; thử nghiệm các loại vật nuôi mới có chất lượng, hiệu quả.

Tăng cường việc quản lý về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và chủ động trong công tác tuyên truyền, cung cấp các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và tham gia các dự án để phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Văn Ngọc