dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Hiệu quả chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Mường Chà

Những năm qua, các đơn vị y tế huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đã triển khai có hiệu quả Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trên địa bàn huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) được triển khai từ năm 2018, tại 2 xã Nậm Nèn và Pa Ham. Mục tiêu đặt ra là cải thiện điều kiện sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình nông thôn. Cung cấp nước và điều kiện vệ sinh ở các trường học, trạm y tế xã và các công trình công cộng.

 Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân nhằm thay đổi hành vi vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân nhất là việc xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu gia đình tại vùng nông thôn trên địa bàn toàn huyện... 

Nông thôn Tây Bắc: Hiệu quả chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn ở Mường Chà - Ảnh 1.

Đoàn giám sát tỉnh Điện Biên kiểm tra công trình nước sạch tại huyện Mường Chà.

Từ năm 2018 - 2020, huyện Mường Chà đã tổ chức trên 10 lớp tập huấn, hội nghị nâng cao năng lực truyền thông về vệ sinh môi trường, cho cộng tác viên nòng cốt tuyến xã, thôn, bản; 108 cuộc họp bản tuyên truyền, vận động gia đình làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tổ chức trên 60 cuộc thăm hộ để tuyên truyền, vận động làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại 15 bản của 2 xã (Pa Ham, Nậm Nèn). Hàng năm đều tổ chức Ngày hội vệ sinh cấp xã với nội dung: Thi vẽ tranh tuyên truyền về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân giữa các bản trong xã.

Nậm Nèn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Chà. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể xã đã thực hiện chương trình hiệu quả. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức xã về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân (lồng ghép qua các buổi họp giao ban của xã); hướng dẫn cho cộng tác viên thôn/bản, hỗ trợ, giám sát việc thực hiện các hoạt động tại thôn/bản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới tập quán sản xuất, nếp sinh hoạt; hướng dẫn người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Đến nay, xã đã hoàn thành đủ các chỉ số giải ngân của chương trình. Các trường học, trạm y tế tại xã đã có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhiều gia đình đã chủ động trong việc thực hiện xây dựng các công trình vệ sinh và tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực sinh sống. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn xã. Năm 2019, xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã.

Nông thôn Tây Bắc: Hiệu quả chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn ở Mường Chà - Ảnh 3.

Hội viên phụ nữ xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) phân loại rác thải nhựa.

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cho biết: Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đến hết năm 2020 huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ số giải ngân của chương trình. 

Các trường học, trạm y tế tại 2 xã Pa Ham và Nậm Nèn đã có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Chương trình đã giúp cải thiện điều kiện vệ sinh cho các cơ sở công cộng (trường học, trạm y tế) tại xã Pa Ham và Nậm Nèn; 180 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tại xã Pa Ham và Nậm Nèn được nhận gói thưởng hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. 

Nông thôn Tây Bắc: Hiệu quả chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn ở Mường Chà - Ảnh 4.

Người dân huyện Mường Chà tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực sinh sống.

Người dân tại 2 xã vùng dự án đã chủ động xây dựng các công trình vệ sinh và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực sinh sống. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai chương trình trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế do nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường chưa đồng đều, chưa tích cực trong việc thực hiện nước sạch và vệ sinh môi trường tại địa phương. Đời sống của người dân nông thôn còn khó khăn, việc đóng góp vốn đối ứng địa phương gần như không có nên công tác xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh triển khai còn nhiều khó khăn.

Vinh Duy