dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân

Ngày 12/10, hơn 120 tác phẩm nghệ thuật và ảnh về chủ đề chăn nuôi của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Dự án can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế và cải thiện môi trường ở vùng cao nông thôn Tây Bắc (Li-chăn) được trưng bày tại triển lãm chăn nuôi trực tuyến và triển lãm tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Việc tổ chức triển lãm trực tuyến về chủ đề chăn nuôi Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn của nông dân, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của ngành chăn nuôi nước nhà trong việc cải thiện sinh kế và hỗ trợ các nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong việc hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Triển lãm do dự án Li-chăn phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng tổ chức.

Khai mạc triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân  - Ảnh 1.

Các nông hộ ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tham dự cuộc triển lãm ảnh. Ảnh: Hà Hoàng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của Việt Nam đóng góp 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó ngành chăn nuôi đóng góp 30% giá trị của ngành nông nghiệp. Ngành chăn nuôi cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo sinh kế cho các nông hộ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân.

Khai mạc triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân  - Ảnh 2.

Các bức ảnh được trưng bày lột tả lên những câu chuyện người thật, việc thật trong công tác phát triển chăn nuôi tại miền quê nghèo khó và khâu chọn giống, chăm sóc đàn vật nuôi của người nông dân. Ảnh: Hà Hoàng.

Cuộc triển lãm diễn ra gồm ba phần: Thứ nhất, chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật, giới thiệu tới người dân những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng về chất liệu và chủ đề liên quan đến những hoạt động nông nghiệp chăn nuôi, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Phần thứ hai, chăn nuôi dưới góc nhìn của nông dân, triển lãm những câu chuyện kể qua ảnh, do chính những nông dân tham gia dự án Li-chăn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thực hiện. Đây là những câu chuyện người thật việc thật trong công tác phát triển chăn nuôi tại miền quê nghèo khó; từ khâu chọn giống, chăm sóc đàn vật nuôi, trồng cây thức ăn chăn nuôi, đến xử lý chất thải trong chăn nuôi bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu lợn bản.

Phần thứ ba của triển lãm giới thiệu chăn nuôi dưới góc nhìn của công chúng. Đây là những bức tranh đoạt giải trong cuộc thi vẽ và chụp ảnh về đề tài chăn nuôi dành cho các đối tượng nghiệp dư trên toàn quốc, do ban tổ chức phát động vào giữa tháng 9/2021.

Khai mạc triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân  - Ảnh 4.

Một số tác phẩm nghệ thuật và ảnh về chủ đề chăn nuôi được trưng bày tại huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Hà Hoàng.

Phát biểu tại cuộc khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật giới thiệu 52 hiện vật lựa chọn từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gồm tranh dân gian và tranh tượng hiện đại. Triển lãm mong muốn mang đến cho công chúng những góc nhìn đa chiều về chăn nuôi và vật nuôi, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững".

Khai mạc triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân  - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La cắt băng khai mạc triển lãm tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Hà Hoàng.

Bà Sabine Douxchamps, Điều phối Dự án Li-chăn và Trưởng đại diện của Liên minh Bioversity-CIAT cho chia sẻ: "Đây là một trong những triển lãm đầu tiên về chăn nuôi tại Việt Nam. Triển lãm tạo ra một diễn đàn giữa nghệ sĩ, nông dân và công chúng để chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm và góc nhìn khác nhau về ngành chăn nuôi. Từ đó, có thể giúp cải thiện sinh kế của người dân, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và của Việt Nam nói chung".

Khai mạc triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân  - Ảnh 6.

Cuộc triển lãm được trưng bày hơn 120 tác phẩm nghệ thuật và ảnh về chủ đề chăn nuôi của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Dự án can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Hà Hoàng.

Việc tổ chức cuộc triển lãm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước và những người chăn nuôi quy mô nông hộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch Covid-19. Triển lãm trưng bày các tác phẩm theo sáu chủ đề: Giống di truyền, sức khỏe vật nuôi, thức ăn và cây thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi và môi trường, chăn nuôi và sinh kế, chăn nuôi và văn hóa.

Qua tìm hiểu của phóng viên, triển lãm trực tuyến sẽ khai trương từ ngày 12/10, và mở cho công chúng theo dõi về lâu dài. Còn đối với triển lãm tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn la sẽ mở cho công chúng trên địa bàn huyện và tỉnh từ 12/10 đến 12/11/2021.

Khai mạc triển lãm chăn nuôi dưới góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân  - Ảnh 7.

Các đại biểu tham dự và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Hà Hoàng.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tọa lạc tại số 66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội, là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng sở hữu bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật đồ sộ lên đến hơn 20.000 hiện vật, thuộc mọi loại hình và chất liệu, từ sơn mài, sơn dầu, lụa, tranh giấy cho đến điêu khắc đá, đồng... là minh chứng cho sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền - Sơ sử cho đến ngày nay. Hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng giới thiệu hơn 2.000 hiện vật, bao gồm 9 bảo vật Quốc gia, mở cửa phục vụ đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Li-chăn là Dự án tại Việt Nam, thuộc chương trình nghiên cứu về chăn nuôi của CGIAR. Các kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra giải pháp, giúp tăng năng suất và tạo ra sinh kế bền vững cho các nông hộ và hộ kinh doanh nhỏ, hướng đến an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai. Việt Nam là một trong bốn quốc gia trọng điểm được lựa chọn để thực hiện chương trình nghiên cứu này. Tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu liên ngành, chúng tôi đã thử nghiệm, kết hợp một vài hoặc nhiều can thiệp khác nhau trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối năm 2021 tại tỉnh Sơn La. Dự án này được các đối tác trong nước và quốc tế cùng hợp tác thiết kế. Liên minh Bioversity và Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới và Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), đây là hai trung tâm trực thuộc CGIAR điều phối dự án này tại Việt Nam.


Hà Hoàng