dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Cách làm hay trong bảo quản nông sản ở Sơn La

Do dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản ở Sơn La gặp nhiều khó khăn. Vùng Nông thôn Tây Bắc này đã có cách làm hay trong bảo quản nông sản.

Cái khó ... ló quyết tâm bảo quản nông sản

Chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như những vùng khác trong Nông thôn Tây Bắc, tháng 9/2020, gia đình ông Nguyễn Đức Tuấn ở phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã thành lập Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La. Ngành nghề chính của Công ty là chế biến và bảo quản rau quả; trong đó, sản phẩm đầu tiên được đưa vào chế biến là quả nhãn.

Cách làm hay trong bảo quản nông sản ở Sơn La để thích ứng với dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La vừa chế biến long nhãn, vừa đảm bảo khoảng cách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tuệ Linh.

 Công ty đã đầu tư 5 lò sấy cải tiến bằng cách đốt củi bên ngoài, sau đó dẫn nhiệt sạch qua hệ thống ống vào khoang sấy. Với phương pháp này sẽ giúp nhiệt trong khoang sấy đều hơn, nhất là không có khí CO2 bám vào các sản phẩm như cách sấy truyền thống. Nhờ vậy, chất lượng nhãn được đảm bảo từ mẫu mã, cảm quan, màu sắc đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường như Nga, Đài Loan, Trung Quốc.

Cách làm hay trong bảo quản nông sản ở Sơn La để thích ứng với dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đóng gói long nhãn tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La. Ảnh: Quyết Quang.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La, cho biết: Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoa quả tươi của nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La tiêu thụ rất khó khăn. Vì vậy, công ty có định hướng sấy và chế biến sâu bằng nhiệt sạch nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất, hướng tới bán tại các chuỗi siêu thị trong nước, khu vực Đông Nam Á và một số thị trường khó tính.

Cơ sở chế biến nhãn và các mặt hàng nông sản khác của công ty có quy mô gần 8.000 m2, gồm: Khu vực lò sấy, nhà phân loại và đóng gói sản phẩm được bố trí riêng biệt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Các công nhân được trang bị bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang… đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 và vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Cách làm hay trong bảo quản nông sản ở Sơn La để thích ứng với dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Công nhân Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La đưa long nhãn vào lò sấy. Ảnh: Quyết Quang.

Chị Phan Thị Hạnh, công nhân Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La, chia sẻ: Gia đình tôi có 1 ha nhãn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quả nhãn sản xuất ra không tiêu thụ được. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La đã thu mua nhãn và tạo điều kiện cho tôi làm việc tại công ty, với thu nhập bình quân là 7 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình được đảm bảo, nhất là khi tình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thành công bảo quản nông sản mở hướng tương lai

Hiện, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nhãn mắt rồng, gồm 2 sản phẩm chế biến từ quả nhãn tươi là long nhãn và quả nhãn sấy.

Cách làm hay trong bảo quản nông sản ở Sơn La để thích ứng với dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Sản phẩm long nhãn đảm bảo chất lượng của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Vụ nhãn năm 2021, công ty đã thu mua hơn 3.000 tấn quả nhãn tươi, đạt tiêu chuẩn VietGAP của người dân để chế biến. Đến cuối tháng 9/2021, công ty đã xuất bán khoảng 200 tấn long nhãn, 100 tấn quả nhãn sấy sang thị trường Trung Quốc với giá bàn từ 130.000 - 140.000 đồng/kg; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động, gần 100 lao động thời vụ ngay trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La, phấn khởi: Tôi làm nghề xoáy long nhãn được 2 năm nay, thu nhập bình quân mỗi ngày dao động từ 280.000 – 300.000 đồng, nên cũng đủ chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày của gia đình.

Có thể nói, việc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ trong khâu chế biến sâu, bảo quản nông sản là giải pháp nâng cao giá trị nông sản, góp phần giải quyết tình trạng "được mùa mất giá" diễn ra thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Mùa Xuân - Tuệ Linh