dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Biên giới Phong Thổ thay "áo mới"

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng nông thôn Tây Bắc nói chung, nông thôn miền núi của huyện Phong Thổ (Lai Châu) nói riêng đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Về các xã, bản vùng cao, biên giới của huyện Phong Thổ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo của các vùng quê nơi đây. Những con đường đất đỏ, lầy lội ngày nào, giờ đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân. Nhiều trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa bản được đầu tư xây dựng khang trang...

Huyện biên giới Phong Thổ thay áo mới - Ảnh 1.

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Phong Thổ được đầu tư xây dựng khang trang.

Nói như ông Vương Thế Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, thì những đổi thay đó bắt nguồn từ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Chương trình này đã mang đến cho huyện biên giới Phong Thổ luồng sinh khí mới, tạo bước đột phá cho tam nông phát triển.

"Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lai Châu, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Phong Thổ gặp phải muôn vàn khó khăn, trở ngại. Với quyết tâm tạo chuyển biến trong tam nông, huyện Phong Thổ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung tháo gỡ những "nút thắt", xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí NTM. Nhờ có sự nhập cuộc tích cực của cả hệ thông chính trị trong huyện cũng như sự đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia của người dân các xã, bản, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ"- Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ nhấn mạnh.

Huyện biên giới Phong Thổ thay áo mới - Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường nội bản của huyện Phong Thổ đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân các bản từ vùng thấp đến vùng cao, biên giới của huyện Phong Thổ đã hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Điển hình trong phong trào thi đua xây dựng NTM của huyện Phong Thổ phải kể đến bản vùng cao Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Bản Sin Suối Hồ được coi là điểm sáng trong xây dựng NTM kết hợp với làm du lịch của huyện Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung. Cả bản có hơn 120 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Vàng A Chỉnh – Trưởng bản Sin Suối Hồ, vui vẻ cho biết: "Bản Sin Suối Hồ giờ đã khác xưa nhiều lắm. Tất cả mọi thứ, từ đường bản, ngõ xóm đến nhà cửa của người dân đều gọn gàng, sạch sẽ. Mấy năm gần đây, năm nào bản tôi cũng đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Việc đầu tiên chúng tôi làm là dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ. Khi nhà mình sạch rồi, thì chúng tôi lại nghĩ phải làm cho bản mình đẹp lên".

Huyện biên giới Phong Thổ thay áo mới - Ảnh 3.

Đến thời điểm này, huyện Phong Thổ đã có thêm xã đạt chuẩn NTM.

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, ông Chỉnh cùng với Ban quản lý bản vận động bà con góp công sức, vật liệu làm đường bê tông trục bản. Đường nội bản được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi. Ông Chỉnh tiếp tục vận động người dân trong bản đóng góp, ai có tiền góp tiền, ai không có tiền thì góp sức đổ bê tông các tuyến đường nhánh...

Không riêng gì bản Sin Suối Hồ mà phong trào chung sức xây dựng NTM phát triển rộng khắp các xã, bản của huyện Phong Thổ. Điều đó được thể hiện rõ trong việc tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân thể thao của hàng trăm hộ dân.

"Sở dĩ huyện nghèo Phong Thổ đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng NTM là vì chúng tôi biết phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện đã lựa chọn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân làm khâu đột phá, làm nền tảng thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác" – ông Mẫn nhấn mạnh.

Huyện biên giới Phong Thổ thay áo mới - Ảnh 4.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Phong Thổ không ngừng cải thiện, nâng cao.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước cũng như có Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, những năm qua, huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các xã trong huyện vận động người dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lúa vẫn là cây trồng chủ lực với các giống: CP6, bắc thơm KBL, hương thơm số 1 cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, tập trung chủ yếu ở các xã: Mường So, Khổng Lào, Nậm Xe. Với các xã vùng cao như: Dào San, Tung Qua Lìn, Sì Lở Lầu… phát triển một số loại cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận). Cùng với đó, cây dược liệu (tam thất, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân tím) được người dân mở rộng diện tích lên tới 68,65ha.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm sau cao hơn năm trước, đến nay đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng lên, người dân các xã, bản có điều kiện xây dựng, chỉnh trang lại nhà cửa, đóng góp công sức, tiền của xây dựng NTM.

Nhờ lựa chọn hướng đi đúng, diện mạo nông thôn miền núi của huyện Phong Thổ ngày càng khởi sắc. Đến thời điểm này, huyện Phong Thổ đã có 3 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn huyện đạt 12,88 tiêu chí/xã. Trong đó, có 12 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí.

Thanh Văn