dd/mm/yyyy

Nông thôn mới Mường Do có nhiều khởi sắc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Mường Do (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã đạt 10/19 tiêu chí, 35/49 chỉ tiêu. Hiện, xã đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt các tiêu chí còn lại, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đúng kế hoạch đã đề ra.

Mường Do là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Phù Yên. Bởi vậy, năm 2012, khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Mường Do mới chỉ đạt 4 tiêu chí. Đó là các tiêu chí: Quy hoạch, thủy lợi, lao động có việc làm, quốc phòng, an ninh.

Xã vùng 3 nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Mường Do đang từng ngày đổi thay.

Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, Mường Do đã đạt thêm 6 tiêu chí: Điện, cơ sở vật chất văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo. Từ đó, nâng số tiêu chí nông thôn mới ở Mường Do lên 10/19 tiêu chí.

Theo đó, để đạt được 6 tiêu chí trên, xã Mường Do đã biết khơi dậy sức dân trong việc phát huy nội lực, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để đầu tư xây dựng hệ kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Để đạt được 9 tiêu chí còn lại, Mường Do đang tập trung rà soát phân loại, lựa chọn các chỉ tiêu, tiêu chí thực hiện theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau".

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do, chia sẻ: "Đối với một xã nghèo như Mường Do, để đạt được 10/19 tiêu chí là cả một quá trình phấn đấu. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ, chính quyền xã luôn đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các tiêu chí. Ví dụ, trong việc hiến đất làm đường, phát triển sản xuất, Bí thư Chi bộ và Trưởng bản phải là người làm đầu tiên. Với cách làm này, đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Bà con hiểu được lợi ích, vai trò và trách nhiệm của mình nên đã tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của tham gia làm nông thôn mới".

Xã vùng 3 nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Hết năm 2020, xã Mường Do phấn đấu đạt tiêu chí y tế. Hiện, UBND xã Mường Do đang xây dựng thêm cổng, tường bao và vườn thuốc nam để cán đích tiêu chí y tế vào cuối năm nay.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Do, trong số 19 tiêu chí thì 3 tiêu chí thu nhập, giao thông và môi trường là khó thực hiện nhất. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đang tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh ở địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Mặt khác, từ nguồn kinh phí của Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã được hỗ trợ thêm cây trồng, vật nuôi giống mới để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và từng bước vươn lên thành hộ khá, giàu.

Xã vùng 3 nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Xác định mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho người dân, vì vậy, xã Mường Do đang vận động người dân chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, xã Mường Do có 125ha cây ăn quả các loại, như: Chanh leo, xoài, nhãn, cam, bơ. Trong đó, trên 60ha chanh leo đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 6 tấn/ha. Ngoài ra, xã đang vận động bà con tiếp tục duy trì và phát triển 21ha chè cổ thụ. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi được chú trọng và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, toàn xã có trên 3.000 con gia súc và 17.800 con gia cầm các loại. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 20,6 %.

Đối với tiêu chí giao thông, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, xã Mường Do sẽ tiếp tục huy động nội lực trong dân, như: Đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động... Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được 8 tuyến đường nội bản, liên bản, với tổng chiều dài hơn 3,5km.

Xã vùng 3 nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Nhờ biết phát huy nội lực trong dân, nhiều tuyến đường liên bản trên địa bàn xã Mường Do đã được bê tông hoá.

Ông Mùi Văn Tiên, bản Tường Han, xã Mường Do, bảo: "Trước đây, khi mới triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân chúng tôi cứ nghĩ đây là việc làm của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ huyện, xã xuống tận bản tuyên truyền, người dân chúng tôi hiểu rằng xây dựng nông thôn mới mình làm cho chính mình, người thân, gia đình mình trực tiếp thụ hưởng. Từ đó đến nay, bà con không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà tự giác đóng góp công sức, tiền của tham gia làm đường giao thông nông thôn".

Về tiêu chí môi trường, xã Mường Do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn. Hàng tuần, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến đường. Đồng thời, hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải dọc các tuyến đường.

Xã vùng 3 nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Tận dụng diện tích đất đồi rộng lớn, người dân Mường Do tập trung chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, lãnh đạo UBND xã Mường Do, cho biết: Trong thời gian tới, xã tiếp tục rà soát các chỉ tiêu và tiêu chí chưa đạt. Từ đó, cân đối nguồn lực hợp lý để ưu tiên phân bổ làm các chỉ tiêu, tiêu chí dễ trước, khó làm sau. Song song với đó, xã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được và phấn đấu hết năm 2020 đạt thêm 2 tiêu chí y tế, văn hoá.

Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, xã Mường Do sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Tuệ Linh - A Và