Bằng những cách làm sáng tạo, cùng với nội lực sức dân được phát huy đang từng ngày khoác lên trên miền đá nghèo “tấm áo mới”. Song hành cùng sự đổi thay diện mạo nông thôn, cuộc sống người dân đang ngày một ấm no.

Sau một chặng đường hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, mảnh đất biên cương Mèo Vạc đang đổi thay. Những con đường đất lầy lội giờ đây đã được bê-tông hóa; nếu như trước đây chỉ có thể đi bộ vượt núi thì nay xe máy có thể về tận nhà, ngõ xóm sạch sẽ, chuồng trại được di dời ra xa nhà ở, nhà tắm, nhà vệ sinh được xây dựng; người dân chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự...
Điều đó cho thấy, ý thức xây dựng nông thôn mới ở Mèo Vạc đã “thấm” vào nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào nơi đây. Để có kết quả đó, BCĐ xây dựng nông thôn mới của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; trong đó, chỉ rõ việc người dân cần làm, phải làm và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trước khi triển khai thực hiện. Do nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân nên công tác di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở; tổ chức hiến đất, ngày công lao động; nâng cấp mở mới các tuyến đường trục thôn, liên thôn triển khai hiệu quả.


Nếu ai đã từng đến với Mèo Vạc chắc hẳn đã đi qua cung đường dọc theo các xã Sủng Máng, Sủng Trà, Tả Lủng về thị trấn Mèo Vạc. Không khó để nhận thấy những ngôi nhà trình tường, nhà cấp 4 được bao quanh bởi con đường bê-tông chạy dài trên nền đá xám. Được biết, bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tập trung nguồn vốn hỗ trợ các gia đình phát triển chăn nuôi để từng bước thoát nghèo.
Đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: “Để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống, BCĐ huyện thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra tiến độ thực hiện; kiểm tra kết quả sử dụng, luân chuyển Quỹ phát triển thôn và thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; phối hợp với Ban chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà, quét dọn đường làng, ngõ xóm, đảm bảo môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp và tích cực tăng gia phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Năm 2016, huyện đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện môi trường nông thôn. Để chủ động trong việc triển khai, huyện đã phân bổ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới theo đăng ký đề xuất danh mục, đầu điểm công trình; xây dựng kế hoạch xây dựng xã Pả Vi cơ bản đạt chuẩn vào năm 2019; xây dựng nghị quyết BCH Đảng bộ huyện về chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các xã tổ chức phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới Mèo Vạc; triển khai thực hiện Làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà...
Do có xuất phát điểm nền kinh tế thấp nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Mèo Vạc luôn chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Trong năm 2016, hỗ trợ trên 200 đôi chim bồ câu giống cho người dân tại thôn Há chế, xã Tả Lủng; hỗ trợ 2.000 cây ổi giống Đài Loan cho 3 hộ tại thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; hỗ trợ 8 con bò cái sinh sản cho người dân ở thị trấn Mèo Vạc; hỗ trợ lãi suất cho 50 hộ tham gia mô hình bò vỗ béo; hỗ trợ 50 con dê giống cho 2 hộ tại xã Thượng Phùng; hỗ trợ giống cỏ Yến mạch, Tam giác mạch và giống rau; hỗ trợ giống ngô, phân bón cho cho các hộ thâm canh tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, rà soát, thẩm định và giải ngân cho các hộ vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh...
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp cho mảnh đất biên cương Mèo Vạc đổi thay. Đó là nền tảng vững chắc giúp địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT – XH và giúp người dân có cuộc sống ngày một ấm no.