Nông sản nhiều nơi ùn ứ, nông dân nơi này vẫn mở rộng vùng trồng ca cao trong mùa dịch

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 18/09/2021 18:00 PM (GMT+7)
Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy nhưng Công ty ca cao Trọng Đức ở huyện Định Quán (Đồng Nai) vẫn mở rộng vùng trồng ca cao ngay trong mùa dịch.
Bình luận 0

Đây được xem là bước đi táo bạo của doanh nghiệp chế biến ca cao để duy trì chuỗi cung ứng khi nhiều ngành hàng khác đang đau đầu chuyện tái đầu tư sản xuất. 

Mở rộng vùng trồng ca cao ngay trong mùa dịch

Clip: Dự án ca cao rộng 18ha được triển khại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Việc mở rộng vùng nguyên liệu ca cao thực ra đã có trong chiến lược lâu nay của Công ty Trọng Đức. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp bị đứt gãy.

Trước đó, Công ty Trọng Đức đã phát triển vùng nguyên liệu rộng 1.300ha ở các tỉnh Đông Nam bộ và 100ha tại nước bạn Lào.

Mãi đến tháng 5, ông Đặng Tường Khanh – Giám đốc Công ty mới thực hiện bước đi đầu tiên khi mở rộng vùng trồng lên các tỉnh Tây Nguyên.

Dự án đầu tiên rộng 18ha được triển khại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.

Ông Đặng Tường Khanh bắt đầu trồng những cây ca cao đầu tiên trên đất Gia Lai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đặng Tường Khanh bắt đầu trồng những cây ca cao đầu tiên trên đất Gia Lai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh đánh giá, nguồn nguyên liệu ca cao thế giới sẽ còn thiếu hụt trong thời gian tới. Đó là lý do mà công ty vẫn tự tin mở rộng tiếp vùng nguyên liệu.

Sau khi khảo sát thực địa, ông Khanh kể, người dân Gia Lai chủ yếu trồng mía, mì. Hiệu quả kinh tế không cao; mỗi năm chỉ đạt 30-35 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, nông dân trồng ca cao ở Đồng Nai kiếm mỗi năm 80 triệu đồng/ha là bình thường.

Ông Khanh (trái) trao đổi với người dân về dự án trồng ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh (trái) trao đổi với người dân về dự án trồng ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, tại Đồng Nai và các tỉnh miền Đông, người dân có nhiều cây trồng để lựa chọn. Việc phát triển vùng nguyên liệu sẽ không nhanh chóng. Địa thế ở Gia Lai lại có nhiều ưu điểm do đất đai còn rộng và có điều kiện cơ giới hóa.

Vì thế, Trọng Đức kỳ vọng sẽ nhanh chóng thiết lập các chuỗi liên kết với người dân nơi đây để mở rộng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm như đã và đang triển khai thành công suốt từ năm 2005 đến nay ở Đồng Nai.

Công ty Trọng Đức đưa cơ giới hóa vào cải tạo đất để bắt đầu trồng ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Công ty Trọng Đức đưa cơ giới hóa vào cải tạo đất để bắt đầu trồng ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Nhỏ, nông dân xã Pờ Tó cho biết, ngoài trồng cây công nghiệp, người dân địa phương còn chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.

Hình thức chăn nuôi gia công cho thu nhập từ 4,2-5,5 triệu đồng/tháng, người dân chỉ tạm đủ sống.

"Cây ca cao tuy không giúp nông dân giàu lên nhanh chóng nhưng thị trường ổn định. Khi dự án phát triển sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân trong vùng", ông Nhỏ nói. 

Canh tác phục hồi

Dù chỉ mới triển khai vài tháng nhưng ca cao Trọng Đức đã kết nối khá nhanh với người dân nơi đây trong tất cả các khâu canh tác và quy trình kỹ thuật ban đầu.

Dự án đầu tiên của Trọng Đức rộng 18ha được triển khại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dự án đầu tiên của Trọng Đức rộng 18ha được triển khại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh kể, trồng ca cao ở Tây Nguyên có 2 vấn đề lớn cần phải khắc phục là gió nhiều, ảnh hưởng đến quá trình phát triển cây con. Thứ hai là thiếu nước tưới.

Song song với trồng mới cây ca cao, ông Khanh trồng thêm nhiều loại cây khác nhau, để tạo đủ tầng cao, tầng trung và tầng thấp. Việc này vừa tạo ra hệ sinh thái vừa chắn gió cho cây ca cao. Ngay cả các loại cỏ cũng được giữ lại.

Nhiều người sợ cỏ sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng nhưng ông Khanh nghĩ khác. Nếu cây ca cao cần 2 lạng phân thì mình bón tăng lên 3 lạng. Cỏ và ca cao đủ thức ăn nên không cạnh tranh nhau, mà chi phí không quá lớn.

Cỏ lên cao thì cắt bỏ để bổ sung sinh khối làm phân bón hữu cơ ngược lại cho ca cao. "Đây là cách làm theo hướng canh tác phục hồi, đảm bảo tính bền vững cho cây và đất ", ông Khanh giải thích.

Clip: Nông sản nhiều nơi ùn ứ, công ty này vẫn mở rộng vùng trồng ca cao ngay trong mùa dịch - Ảnh 8.

Clip: Nông sản nhiều nơi ùn ứ, công ty này vẫn mở rộng vùng trồng ca cao ngay trong mùa dịch - Ảnh 9.

Hệ thống tưới nhỏ giọt đưa nước tới từng gốc ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để giúp cây non phát triển tốt trong giai đoạn đầu, công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm nguồn nước mà không tốn quá nhiều chi phí.

Không chỉ dừng lại ở Gia Lai, trong tương lai, Công ty Trọng Đức định hướng sẽ còn mở rộng vùng nguyên liệu ra nhiều tỉnh thành lân cận như Kon Tum, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi.

Ông Khanh và bà con nông dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai) trên cánh đồng ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Khanh và bà con nông dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai) trên cánh đồng ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Khi đã chủ động được nguồn nguyên liệu, các nhà máy trong nước hoàn toàn tự tin chế biến xuất khẩu để thu giá trị cao; hơn là xuất thô phần lớn như hiện nay", ông Khanh chia sẻ.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng hạt ca cao Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ khoảng 5.500 tấn so với 4,8 triệu tấn của thế giới.

Tuy nhiên, hạt ca cao từ Việt Nam được công nhận có chất lượng lên men tốt. Điều này có được nhờ kế hoạch phát triển bài bản cũng như điều kiện khí hậu đặc trưng của nước ta.

Từ dự án đầu tiên ở Gia Lai, công ty Trọng Đức dự kiến tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu ca cao ra nhiều tỉnh thành khác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ dự án đầu tiên ở Gia Lai, công ty Trọng Đức dự kiến tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu ca cao ra nhiều tỉnh thành khác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa cho biết, thực tế là diện tích trồng ca cao cả nước đã sụt giảm nhiều. Năm 2012, cả nước trồng 25.700ha, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 5.000ha.

Diện tích ca cao giảm mạnh ở các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng... do lựa chọn vùng trồng chưa phù hợp, cũng như những hạn chế về kỹ thuật trồng.  

Thế nhưng tại các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu..., cây ca cao vẫn giữ được chỗ đứng riêng và ngày càng ổn định. 

Ông Tự chia sẻ, các công ty chế biến ca cao thông qua liên kết và mở rộng vùng nguyên liệu sạch vẫn đang góp phần khẳng định chất lượng ca cao Việt Nam trên thế giới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem