dd/mm/yyyy

Nông nghiệp Kỳ Sơn kiến tạo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Tuy diện tích đất canh tác hạn chế nhưng nhờ chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh, chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa nên ngành nông nghiệp huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Xây dựng các vùng sản xuất tập trung

Để phát triển nông nghiệp, huyện Kỳ Sơn đã chủ động tổ chức lại sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh lớn, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiêu chí: Sử dụng ít đất nông nghiệp, giá trị kinh tế cao, phù hợp với việc chế biến tại chỗ.

Dự án rau an toàn có quy mô trên 20 ha tại xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn.
Dự án rau an toàn có quy mô trên 20 ha tại xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn.

Tận dụng mặt nước sông Đà, nhiều xã đã phát triển mô hình nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tổng sản lượng đạt gần 200 tấn/năm. Sông Đà cũng đem lại thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu, tạo nên vùng đất phù sa trên 1.000 ha cho 6 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn. Nhờ đó, các địa phương đã tập trung phát triển các mô hình như trồng rau an toàn, dưa chuột xuất khẩu, dong riềng...

Đơn cử như tại Yên Quang, thời gian qua xã đã triển khai nhân rộng mô hình trồng dưa chuột Nhật xuất khẩu theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất với diện tích 15 ha, mang lại thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm. Xã cũng khuyến khích bà con đưa vào trồng thử nghiệm một số cây loại thảo dược như: Nghệ đỏ, sachi, ngải cứu... Hoặc xã Hợp Thành đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau an toàn, với diện tích gần 20 ha.

Kinh tế lâm nghiệp của huyện cũng mang lại giá trị cao, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%; trồng mới, thay thế mỗi năm trên 400 ha.

Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện

Nhờ định hướng đúng đắn và nỗ lực của nhân dân, năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản của huyện Kỳ Sơn đạt 432,8 tỉ đồng, góp phần giúp kinh tế huyện có sự chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng trên12%. Hiện, thu nhập bình quân của huyện đạt 47,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,24% theo tiêu chuẩn đa chiều.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai sâu rộng, thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến hết năm 2017, toàn huyện có 4/9 xã hoàn thành chương trình, mang lại cho huyện diện mạo mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày.

Để kinh tế - xã hội của huyện phát triển, Kỳ Sơn xác định khâu đột phá là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đến nay, huyện đã có 2 khu công nghiệp là Mông Hóa, Yên Quang cùng nhiều cụm công nghiệp. Năm 2017, trên địa bàn huyện có 99 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 21 dự án đã triển khai xong và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, có sản phẩm tiêu thụ ngoài thị trường.

Lãnh đạo huyện đưa ra những cam kết tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Theo ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới, huyện tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản trong quá trình thu hút đầu tư. Đồng thời, công khai danh mục dự án thu hút đầu tư, cung cấp thông tin về môi trường và các chính sách đầu tư; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch đất đai... Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện cơ chế ưu đãi với từng dự án, giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư trong thời gian ấn định, chủ động cung ứng hạ tầng kỹ thuật như điện nước đến chân công trình cho tất cả các dự án nằm trong danh mục kêu gọi, thu hút đầu tư...

Từ những kết quả đạt được và đưa ra định hướng phù hợp, chắc chắn trong những năm tới, Kỳ Sơn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.

Bài, ảnh: Ngọc Tùng