Nông dân Tây Bắc: Nuôi bồ câu, trồng rau trong nhà cho thu nhập cao

Thu Hường Chủ nhật, ngày 08/03/2020 13:05 PM (GMT+7)
Là 1 trong những hộ nông dân Tây Bắc sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, anh Phạm Anh Dũng, Đội 7 (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, anh đang là một trong những nông dân Tây Bắc sở hữu mô hình kinh tế với thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Anh Dũng từng tốt nghiệp đại học, rồi làm nhà nước với công việc và đồng lương ổn định. Với bản tính siêng năng, cần cù và ước mơ hoài bão làm ông chủ trang trại, anh Dũng đã quyết định bỏ việc nhà nước để theo đuổi đam mê của mình.

Năm 2013, trên mảnh đất có sẵn của gia đình, anh bắt đầu xây dựng trang trại với số vốn 500 triệu đồng vay ngân hàng. Anh Phạm Anh Dũng trồng cây gấc và cây đinh Lăng. Sau 2 năm vừa học vừa làm nhưng kết quả không được như mong muốn. Anh Dũng đã bỏ đi toàn bộ diện tích trồng gấc và chỉ giữ lại khoảng 0,3 ha diện tích đất trồng cây đinh lăng.

img

Anh Phạm Anh Dũng cho hay, giống chim bồ câu Pháp Titan và Mimas siêu đẻ, siêu thịt, dễ nuôi, ít bị bệnh. 1 con chim mái nuôi sau 4 -5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu.

Không nản lòng, cuối năm 2015, anh Dũng tiếp tục bắt tay cải tạo lại trang trại, mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng lên 0,7 ha. Đồng thời, anh Dũng cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng khép kín, nuôi các loại gia cầm: bồ câu, gà, vịt, ngan; trồng các loại rau củ quả theo mùa.

Thời điểm năm 2016 tổng thu nhập trừ mọi chi phí, mỗi năm trang trại của anh Dũng thu về hơn 900 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng và cung cấp tư liệu sản xuất cho nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt khác trên địa bàn về giống, phương pháp, kỹ thuật, góp phần giảm nghèo cho địa phương.

img

Vịt, ngan được anh Dũng thả trong chuồng nuôi khép kín với mái che phù hợp.

Hiện tại anh Dũng đã có trong tay trang trại rộng hơn 1,5 ha chăn nuôi, trồng trọt khép kín với hệ thống tưới nước, xử lý chất thải xây dựng theo quy trình hiện đại.

Số lượng gia cầm anh Dũng nuôi gồm có: 1.000 đôi chim bồ câu, mỗi tháng xuất bán cho các thương lái, các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ 250 đến 300 đôi, giá mỗi đôi chim bồ từ 110.000 đồng. Anh còn nuôi 1.000 con gà đẻ, cung cấp trứng cho các đại lý trong địa bàn tỉnh; nuôi hơn 1.500 vịt cung cấp số lượng lớn thịt và trứng ra thị trường.

img

Giống gà đen siêu đẻ cũng được anh Dũng nuôi nhốt trong truồng khép kín, sạch sẽ, thoáng khí.

Trên diện tích đất khoảng 700 m2 anh Dũng trồng đủ các loại rau xanh theo mùa, như: Rau cải ngồng, cải ngọt, rau thơm các loại, dưa chuột bao tử, bầu, bí... Vườn rau trồng theo phương thức truyền thống như trồng ăn trong gia đình, rau nhà anh Dũng được đánh giá là nguồn rau sạch, an toàn cho người sử dụng. Chính vì thế rau được xuất bán chủ yếu vào các siêu thị cũng như các cơ sở bán rau sạch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

img

Anh Dũng ưu tiên trồng trên diện tích lớn giống dưa bao tử Đà Lạt

img

Vườn rau cải ngọt tươi tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh với người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Dũng cho biết: “Tôi chọn xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi và trồng trọt là chủ yếu vì tôi nhận thấy nuôi gia cầm và trồng rau không yêu cầu nhiều kỹ thuật, thị trường tiêu thụ lớn, giá cả ổn định. Nuôi gia cầm tôi mua được nguồn thức ăn tại chính địa phương còn trồng rau thì tôi lại tận dụng luôn lượng phân gia cầm ủ bón và cải tạo đất”.

Từ những kết quả đạt được trong lao động sản xuất, năm 2016 anh Phạm Anh Dũng vinh dự được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”, là một tấm gương sáng cho nhiều người học tập và noi theo.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem