Nông dân phải được quyền định giá nông sản thay vì trông chờ thương lái

Anh Thơ (thực hiện) Thứ ba, ngày 15/06/2021 13:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Quốc Thanh (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), Bộ NNPTNT, cho biết, trong thời gian tới, đội ngũ khuyến nông sẽ tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng để tự họ có thể được quyền định giá nông sản.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT vừa phối hợp 3 đoàn thể (Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, T.Ư Đoàn) xây dựng mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản kiểu mới, chấm dứt tình trạng "giải cứu" làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của mô hình này?

- Từ ý tưởng và sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, việc Bộ NNPTNT phối hợp với 3 hội đoàn thể đồng hành xây dựng mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản kiểu mới là một chủ trương quan trọng, góp phần nâng cao đời sống của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên là các tổ chức chính trị xã hội gần gũi với nông dân, nếu họ đồng hành với ngành nông nghiệp để xây dựng các mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản sẽ tạo nên sức mạnh, cuộc vận động lớn.

Bài học này không chỉ với tiêu thụ nông sản mà trong cả các hoạt động, các chương trình khác, nếu có các tổ chức đoàn thể cùng đồng hành thì hiệu quả sẽ được nâng lên đúng với kỳ vọng.

Hỗ trợ để nông dân được quyền định giá nông sản - Ảnh 1.

Thương lái thu mua sầu riêng tại vườn nhà nông dân Trần Văn Kế (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). (Ảnh: TTXVN).

Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan truyền thông không dùng từ "giải cứu" vải thiều, vì cứ giải cứu là giá giảm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Tôi thấy đề nghị của tỉnh Bắc Giang hoàn toàn chính xác. Lâu nay chúng ta lạm dụng quá nhiều từ "giải cứu", vô tình làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt.

Vấn đề cung - cầu của thị trường có thể có biến động, nhưng rõ ràng các nông sản của Việt Nam đều có chất lượng, ngành nông nghiệp đang hướng đến xây dựng những mô hình sản xuất an toàn thì những sản phẩm đó không cần phải giải cứu.

Do dịch bệnh, chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, cung - cầu chưa kết nối thì chúng ta phải tìm cách kết nối theo hình thức khác. 

Trước người mua có thể phải xem sản phẩm rồi quyết định có mua hay không, nhưng bây giờ họ có thể yên tâm mua đúng sản phẩm mà không cần phải xem, bởi đã có sự kiểm chứng của những đơn vị cung cấp có uy tín. 

Với mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản mới, Bộ NNPTNT, các đoàn thể muốn đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng nhất.

Hỗ trợ để nông dân được quyền định giá nông sản - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia ( Bộ NNPTNT). (Ảnh: Hoàng Anh)

Hôm nay, 15/6, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung - cầu nông sản chính quy", hướng tới thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, tạo nên hình ảnh và thương hiệu cho nông sản Việt, góp phần giảm rủi ro mùa vụ, đứt gãy cung cầu…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, vải thiều của tỉnh có chất lượng ngon nhất từ trước đến nay nhờ ứng dụng khoa học công nghệ. Những năm qua, lực lượng khuyến nông đã có những chương trình, dự án gì để hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng vải, thưa ông?

- Có thể khẳng định, nhờ giải pháp khoa học công nghệ đã làm thay đổi toàn diện việc sản xuất vải của nông dân. 

Chỉ vài năm trước, tình trạng vải sâu đầu vẫn còn làm nông dân đau đầu thì giờ gần như không còn. Trước còn nghi ngờ vải có an toàn không, nhưng giờ có thể yên tâm nhờ quy trình công nghệ mới.

Hàng loạt hoạt động của ngành nông nghiệp, cũng như của khuyến nông từ T.Ư đến địa phương đã khắc phục tình trạng sâu đầu, nâng cao chất lượng vải thiều. 

Việc vải thiều Bắc Giang đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… đã chứng minh điều đó.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ hưởng ứng mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản của Bộ NNPTNT và các hội đoàn thể như thế nào, thưa ông?

- TTKNQG đã được Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ. Với thế mạnh của mình, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẳng định sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng là an toàn, đảm bảo chất lượng. 

Ngoài ra, TTKNQG đã và đang thực hiện các đề án để tăng cường hoạt động của khuyến nông. Theo đó, cán bộ khuyến nông không chỉ đơn thuần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mà còn là người kết nối, kết nối giải pháp công nghiệp với người đang sở hữu và người cần, kết nối cung - cầu. Khi đó, vai trò của khuyến nông sẽ như người tư vấn.

Chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ cho hoạt động của HTX, nông dân, tổ hợp tác. Khi hoạt động tư vấn thì không cần hiểu quá sâu về kỹ thuật, quan trọng là biết kết nối chuyên gia với những người đang cần giải pháp kỹ thuật.

Theo ông, hoạt động của khuyến nông cũng liên tục phải đổi mới theo xu hướng sản xuất?

- Đúng là như vậy, việc xây dựng mô hình sản xuất phải hướng tới việc giúp người dân bán giá trị sản phẩm đó chứ không phải sản phẩm đơn thuần, nghĩa là bán quy trình làm nên sản phẩm ấy. 

Thực tế, có những sản phẩm của trang trại, HTX bán đắt bao nhiêu cũng có người mua, song có những sản phẩm bán rẻ vẫn bị chê. Đó là do chất lượng sản phẩm quyết định.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng muốn mua sản phẩm vì giá trị, chất lượng của nó chứ không phải vì giá rẻ. 

Muốn có thị trường thì sản xuất phải tốt, TTKNQG và khuyến nông địa phương muốn giúp đỡ để nông dân được quyền đặt giá theo đúng giá trị sản phẩm của mình.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem