Nông dân 9X đã đẹp trai lại có tài viết "cẩm nang" trồng bưởi da xanh bách phát bách trúng

Xuân Tuấn Chủ nhật, ngày 24/05/2020 06:25 AM (GMT+7)
Anh Lê Duy Chứ (SN 1992) - nông dân trồng bưởi là tác giả cuốn sách với tên gọi vô cùng gần gũi như lúa với khoai: "Bà con ơi, kỹ thuật trồng bưởi 100% thành công".
Bình luận 0

Nhiều nông dân đã đón nhận cuốn sách này, coi là cẩm nang dành cho người trồng bưởi. Ai thích thú thì Chứ tặng, ai nhớ ơn tác giả thì bỏ tiền ra mua sách ủng hộ.

Ít ai nghĩ rằng, chàng trai quê Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay chưa đến tuổi "tam thập nhi lập" mà đã làm được nhiều việc lớn cho đời. Tuổi còn trẻ nhưng Chứ đã có cả chục năm gắn bó với cây bưởi da xanh và thu được nhiều tỷ đồng từ vườn bưởi da xanh của gia đình.

Bỏ mộng làm giàu nơi đô thị...

Nông dân viết “sách giáo khoa” về bưởi da xanh  - Ảnh 1.

Nông dân viết “sách giáo khoa” về bưởi da xanh  - Ảnh 2.

Vườn bưởi da xanh rộng ngút tầm mắt của Lê Duy Chứ. Ảnh: X.T

Anh Chứ tâm sự: Trồng cây rất cần phải am hiểu tường tận về nó mới hy vọng có được những vụ mùa bội thu. Nội dung cuốn sách về bưởi da xanh là tất cả những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực nhất mà anh học được và rút ra từ chính vườn bưởi của mình. Đó chính là những gì bà con cần đến.

Thôn Nam Điện, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) trồng bạt ngàn cây ăn quả. Xen lẫn trong cái màu xanh đơn sắc của những vườn vải đó có vườn bưởi da xanh rộng 4ha của Chứ - chàng trai đất Bắc Giang đã chọn trồng bưởi là nghề khởi nghiệp.

Bên ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm lọt thỏm trong vườn bưởi là ngổn ngang những nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho cây ăn trái. Chiếc xe ôtô đời mới đỗ chễm chệ ở sân nhà. Ông chủ vườn bưởi mặt tươi như hoa cũng đang tất bật nhận đơn hàng, đóng hàng rồi ra bưu điện gửi sách, chế phẩm sinh học và túi bọc bưởi cho bà con. Tác giả của cuốn sách, nom trẻ hơn rất nhiều so với hình ảnh trên các videoclip mà Chứ đưa lên mạng.

Ông chủ vườn bưởi da xanh lớn nhất nhì đất Lục Ngạn lúc nào cũng tất bật với công việc. Lần đầu gặp Chứ, ít người nghĩ rằng, anh là một nông dân thực thụ. Khuôn mặt bảnh trai, thân hình cân đối, mặt luôn nở nụ cười tươi.

Chứ sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lục Ngạn - thủ phủ của cây vải miền Bắc. Không giống như các chàng trai quê nhà khi trưởng thành, chọn nghề làm vườn để khởi nghiệp; Chứ lại ôm mộng bút nghiên, theo đuổi con đường học hành mong đổi đời ở nơi đô thị. Suốt mấy năm học Trường Giao thông vận tải, Chứ vẫn hy vọng rằng, một ngày nào đó mình sẽ đổi đời không phải bằng cái nghề làm vườn cổ truyền mà cha mẹ và người dân quê Chứ đã làm từ nhiều thế hệ.

Ra trường, Chứ cũng đi xin việc ở nhiều nơi. Mang hồ sơ và kinh nghiệm non nớt đi xin việc, Chứ đều nhận được sự từ chối phũ phàng. Khi ấy, Chứ mới hiểu rằng, không có việc gì là đơn giản cả. Và cái ước mơ đổi đời nơi phố thị cũng dần tan như bong bóng xà phòng.

Đầu năm 2010, phong trào làm vườn đã lan rộng. Nhà nhà cùng cải tạo vườn hoang để trồng bưởi, trồng cam. Chứ thầm nghĩ, quê mình đất rộng bao la, về quê khắc có cửa sống ổn hơn. Cái máu nông dân trong Chứ lại trỗi dậy. Anh nghĩ rằng, đồng đất nơi quê nhà rộng bát ngát đó là "vàng" mà mình chưa biết khai thác. Bằng những hiểu biết mới của mình, Chứ bắt tay vào làm vườn nhưng không trồng vải mà trồng cây bưởi da xanh.

Nông dân viết “sách giáo khoa” về bưởi da xanh  - Ảnh 4.

Anh Chứ đã trở thành một chuyên gia về trồng bưởi da xanh. Ảnh: X.T

"Cây bưởi đến với tôi như một duyên nợ của cuộc đời. Tôi có được thành công như ngày hôm nay đều bắt nguồn từ cây bưởi da xanh. Nắm được quy trình trồng bưởi và áp dụng thực tế mang lại hiệu quả cao, tôi đã nghĩ đến chuyện chia sẻ kiến thức cho bà con nông dân".

Anh Lê Duy Chứ

Chứ cất công vào Chợ Lách (Bến Tre) mua giống bưởi da xanh ruột hồng về trồng. Đợt đầu Chứ trồng 600 cây bưởi da xanh xen vào vườn vải. Ngày xuống giống, ai trong gia đình cũng lo cho Chứ; bởi lẽ, giống bưởi da xanh trồng ở miền Bắc nhiều người đã thất bại nên cũng rất ít người trồng.

Mùa nối mùa trôi qua, vườn bưởi của Chứ phát triển rất tốt. Đến năm thứ 3, bưởi cho ra quả bói. Khi đó, Chứ hồi hộp lắm, anh kể: "Giống bưởi tôi lấy ăn rất ngon, không biết khi trồng ở đất nhà mình, chất lượng của nó ra sao. Nó mà không ngon là bao công lao của tôi đổ ra sông, ra biển".

Nỗi lo của Chứ dần qua mau, khi đến đầu tháng 10, những quả bưởi bói đầu tiên đến thời kỳ thu hoạch. Đôi tay Chứ run run khi hái trái bưởi đầu tiên trong vườn xuống để bổ và kiểm nghiệm chất lượng. Đưa tép bưởi hồng rực lại không có hạt vào miệng, Chứ như vỡ òa niềm vui khi cái hương vị ngọt thanh thanh từ múi bưởi của mình trồng ngon không kém gì ở miền Tây sông nước.

Chất lượng bưởi da xanh đã đánh tan mọi nghi ngờ ban đầu. Gia đình Chứ đã quyết định phá toàn bộ 4ha vải trồng để trồng 1.600 gốc bưởi da xanh. Đến năm thứ tư (2015), vườn bưởi đã mang lại cho Chứ cả tỷ đồng. Không những vậy, Chứ cũng đã nghĩ ra cách xử lý cho bưởi da xanh ra hoa sớm - từ khoảng tháng 12. Nhờ đó mà cứ đến đầu tháng 8 âm lịch là Chứ đã có bưởi da xanh bán.

"Giảng viên" miễn phí

Ngày trồng cây bưởi xuống vườn cũng là quãng thời gian Chứ kiên trì lên mạng tìm hiểu cách chăm sóc bưởi và đi các nhà vườn "tầm sư học đạo". Có lưng vốn cộng với kinh nghiệm theo dõi cây bưởi sinh trưởng và phát triển, Chứ dần rút ra được những đặc điểm riêng của giống bưởi da xanh khi trồng ở miền Bắc.

Vốn đã quen với việc tìm kiếm thông tin trên mạng, Chứ thành lập kênh YouTube với tên gọi: "Chứ bưởi da xanh" để chia sẻ kiến thức mà mình đã học được. Chứ tự học cách quay và dựng video trên mạng. Tựa như một "giảng viên" muốn tìm cách chuyển giao cho nông dân kinh nghiệm trồng bưởi một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, Chứ quay từng clip về vườn bưởi theo khoảng thời gian, giai đoạn sinh trưởng phát triển của bưởi da xanh. Mỗi một công đoạn là một clip dài khoảng 30-40 phút. Sau đó, Chứ lại lọ mọ ngồi máy tính, cắt dựng video và up lên kênh YouTube của mình.

Từ một vài người đăng ký kênh của Chứ, giờ đây số lượng đó đã lên vài chục nghìn người theo dõi. Họ cùng tiếp nhận thông tin và có những phản hồi tích cực. Từ một người vô danh trên mạng, giờ kênh YouTube "Chứ bưởi da xanh" đã dần trở thành địa chỉ tin cậy của những người muốn tìm hiểu về cách trồng bưởi da xanh. Không dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, anh còn làm các video về men vi sinh, túi bao trái... Việc gì Chứ cũng tận tình, tận tâm mà làm. Những cố gắng nỗ lực đó của Chứ đã được bà con nông dân đón nhận như một món quà cho những ai muốn khởi nghiệp từ nhà nông.

Không dừng lại ở việc chia sẻ trên mạng, Chứ còn kì công viết một cuốn sách hay nói đúng hơn là cuốn cẩm nang về trồng bưởi da xanh. Cuốn sách gồm nhiều phần khác nhau, chỉ dày hơn trăm trang mà chứa đựng được toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của bưởi da xanh. "Cuốn sách này dành cho người đam mê trồng bưởi. Họ không thể xem được trên mạng có thể đọc sách cũng hiểu được toàn bộ quá trình phát triển của cây bưởi"- Chứ chia sẻ.

Cuốn sách được in rất đẹp, gồm có 7 chương, với 186 trang. Trong mỗi chương, mỗi mục được chia nhỏ ra làm nhiều phần, trình bày đơn giản và dễ hiểu. Cây bưởi da xanh là giống cây khó tính, đặc biệt là trồng ở miền Bắc. Nhiều bà con nông dân đã phải phá bỏ vườn bưởi da xanh sau 4-5 năm vun trồng vì cây không phát triển được. Riêng đối với Chứ, từng đó thời gian anh lại gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Những kinh nghiệm cụ thể, thiết thực đó cũng được Chứ chia sẻ trong cuốn sách này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem