Nỗi lo “rác khẩu trang”

Tiên Sa (Đà Nẵng) Thứ tư, ngày 24/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đi dọc nhiều tuyến đường, chúng ta dễ nhận thấy những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng được vứt bừa bãi gây ô nhiễm.
Bình luận 0

Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, chúng ta ý thức rằng, mỗi người dân khi đeo khẩu trang trước hết là để bảo vệ bản thân, phòng chống những độc hại, lây nhiễm chung quanh, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vì thế, trong phòng, chống Covid-19 lâu nay, Bộ Y tế thường xuyên kêu gọi người dân cả nước thực hiện nghiêm túc khuyến cáo "5K". Đó là: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế".

Hiện nay, đi dọc theo các tuyến đường như: QL14B, QL14G, cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng hay những tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã… ở các khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng… chúng ta rất dễ dàng trông thấy rất nhiều khẩu trang bay tấp hai bên đường. Cứ một đoạn ngắn lại thấy khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi ven hè phố, dưới lòng đường chỗ dày chỗ thưa hoặc tấp trên bờ kênh, trôi lềnh bềnh trên mương nước. Khẩu trang lẫn chung với rác thải sinh hoạt tập kết bên đường, tấp vào miệng cống… Đó là hình ảnh "rác khẩu trang" không khó để bắt gặp.

Nỗi lo “rác khẩu trang” - Ảnh 1.

Rác khẩu trang tràn lan (ảnh chụp ven QL14B, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Ảnh: Tiên Sa

Tính chất của khẩu trang y tế là dùng một lần rồi bỏ. Điều này là gánh nặng cho môi trường không thua kém tác hại của chất thải là túi nilon, bởi khẩu trang y tế cấu tạo từ những chất liệu vải không dệt rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Có một thực tế đáng lo ngại là lượng khẩu trang thải ra môi trường mỗi ngày là rất lớn và không phải ai cũng có ý thức bỏ khẩu trang đã qua sử dụng đúng nơi quy định. Điều này làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Tính chất của khẩu trang y tế là dùng một lần rồi bỏ. Điều này là gánh nặng cho môi trường không thua kém tác hại của chất thải là túi nylon, bởi khẩu trang y tế cấu tạo từ những chất liệu vải không dệt rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, ngoài hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách, ngành chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân bỏ khẩu trang đã sử dụng đúng nơi quy định.

Ngoài ra, các ôtô chở người, khách nên trang bị trong xe một "thùng rác" để tiếp nhận khẩu trang đã qua sử dụng; ngành chức năng, địa phương, trường học, chủ phương tiện… cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục người dân, du khách, học sinh… nên bỏ khẩu trang đã qua sử dụng đúng quy định đồng thời có kế hoạch thu gom "rác khẩu trang" trong môi trường mang đi tiêu hủy nhằm làm "sạch" môi trường, mang lại an toàn cho cộng đồng…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem