dd/mm/yyyy

Nỗi buồn rau sạch, làm ra chẳng ai mua, bế tắc đầu ra

Trong khi nhu cầu của người nông dân cũng như các doanh nghiệp rất muốn sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, nhưng trên thực tế mô hình liên kết đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc đầu ra.

Làm rau sạch không khó

Thời gian qua, nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình SX an toàn, cung ứng lượng lớn thực phẩm ra thị trường. Điển hình là mô hình liên kết của HTX Sản xuất rau an toàn Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc, Long An).

Sản phẩm rau sạch luôn khó tiêu thụ.
Sản phẩm rau sạch luôn khó tiêu thụ.

Nhờ tổ chức SX tốt và hợp đồng chặt chẽ với các xã viên theo nguyên tắc “an toàn của người tiêu dùng là trên hết” nên đã tạo được uy tín về chất lượng đối với khách hàng. HTX giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở địa phương, với mức thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm/xã viên. Đến nay, HTX có gần 50 xã viên với hơn 20ha chuyên SX rau ăn lá, rau gia vị và củ quả các loại.

Ông Đặng Duy Dũng, Chủ nhiệm HTX Sản xuất rau an toàn Phước Thịnh khẳng định: “Làm sạch không khó, bà con xã viên HTX cũng rất muốn SX theo đúng quy trình VietGAP, song chúng tôi cần có đầu ra ổn định thì mới duy trì được hoạt động và đáp ứng cho đời sống xã viên”.

Theo ông Dũng, do đầu ra không đáp ứng được sản lượng rau sạch của xã viên nên nhiều bà con phải bán cho thương lái mỗi ngày cả chục tấn rau. Nhiều lúc họ bị ép giá nên không dám mở rộng diện tích canh tác.

Tương tự, HTX Phước Hải (xã Tân Hải, huyện Tân Thành), cơ sở đầu tiên tại tỉnh BR-VT thực hiện trồng và sơ chế rau theo quy trình SX an toàn. HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng sơ chế rau với diện tích hơn 400m2, được chia thành từng khu xử lý thô, bể ozon diệt khuẩn, hệ thống máy vắt ly tâm, sắp xếp đóng gói dán nhãn.

(Ảnh: Minh Sáng)
(Ảnh: Minh Sáng)

Mỗi hộ xã viên tham gia cung cấp rau cho HTX đều bắt buộc phải có nhật ký đồng ruộng với các nội dung: Điều tra về tình hình canh tác, sâu bệnh hại trên rau, sử dụng thuốc BVTV, sản lượng rau bán hàng ngày…

Với diện tích canh tác gần chục ha rau xanh các loại, được trồng theo quy trình an toàn, mỗi tháng HTX có thể cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 100 tấn rau xanh các loại. Tuy nhiên, đến nay HTX cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm.

Vẫn tắc đầu ra

Hiện các cơ sở, HTX, người trồng rau an toàn phải đầu tư chi phí ban đầu cao hơn so với SX thông thường; vị trí đất trồng rau không bị ô nhiễm; quy trình canh tác phải bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP; rau phải qua chứng nhận và kiểm nghiệm chặt chẽ của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chi phí cao hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá bán vẫn như rau thường, thậm chí đầu ra không có.

Chúng tôi đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Hải Phát (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) để tìm hiểu thực tế. HTX đang quản lý khoảng 43 ha, canh tác gần 20 giống rau theo quy trình VietGAP. Mỗi ngày thu hoạch hơn 6 tấn rau các loại. Nhưng giá bán không cao hơn các loại rau SX thông thường.

(Ảnh: Minh Sáng)
(Ảnh: Minh Sáng)

Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT HTX than vãn: “Chúng tôi đầu tư liên kết SX rau theo đúng quy trình bài bản nhằm gây dựng thương hiệu sản phẩm rau sạch địa phương. Tuy nhiên, khi đem rau của mình đi gõ cửa chào hàng siêu thị, nhà hàng, trường học, chợ trên thành phố thì họ lắc đầu bảo, dù rau sạch thật, giá thấp thì cũng không có “cửa” vào”.

Mới đây HTX đã mở thêm mối liên kết với Cty AT (Q3.TP.HCM) triển khai mô hình trồng rau hữu cơ, sản phẩm đã thu hoạch đạt chất lượng, có chứng nhận. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn tắc tịt.

Hiện rau sạch của HTX chỉ bán được giá từ 5 - 6 ngàn đồng/kg (tùy loại); thậm chí có vụ giá rau chỉ còn vài ngàn đồng/kg bà con bị lỗ vốn đầu tư. Do trồng rau là nghề chính nên xã viên phải chấp nhận lấy công làm lời vì đầu ra quá bấp bênh. Sản xuất rau an toàn, thu hoạch chỉ bán được cho thương lái, khiến họ “cho giá” được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Nhất là kể từ khi thành lập, do không tìm được đầu ra ổn định, chỉ sau vài vụ HTX đã phải bù lỗ cả trăm triệu đồng và đang đứng trước nguy cơ giải thể.

Minh Sáng