Ninh Bình: Trên bờ trồng chuối tây Thái Lan, dưới ao thả cá, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm

Thu Hằng Thứ sáu, ngày 12/02/2021 06:09 AM (GMT+7)
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 4.700ha đất trồng lúa sang các hình thức canh tác mới. Đến nay, nhiều mô hình đã và đang cho hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, được bà con nông dân ghi nhận và ủng hộ.
Bình luận 0

Tìm hướng đi mới

Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, các hình thức chuyển đổi đất lúa trên địa bàn chủ yếu là chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm; trồng cây lâu năm; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; trồng cây hàng năm, lâu năm kết hợp nuôi thủy sản... 

Trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản, cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 là 359ha.

Hình thức này đã mang lại giá trị thu nhập từ 350 - 450 triệu đồng/ha/năm. Điển hình phải kể tới mô hình trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá tại các xã Yên Từ, xã Yên Nhân, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô).

Trồng chuối kết hợp nuôi thuỷ sản, lợi cả đôi  đường - Ảnh 1.

Mô hình trồng chuối tây Thái Lan tại Yên Mô đang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.H

Trồng chuối kết hợp nuôi thuỷ sản, lợi cả đôi  đường - Ảnh 2.

Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng chuối kết hợp đào ao nuôi thuỷ sản.

Từ thành công của mô hình, đến năm 2020 toàn tỉnh Ninh Bình có 359ha diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, ổi... kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 định hướng 2030, toàn tỉnh có nhu cầu chuyển đổi là 4.046,51ha, trong đó chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hình thức khác (trồng cây hàng năm, lâu năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản) là 829,8ha.

Từ năm 2017, nắm bắt về chủ trương chuyển đổi vùng đất màu, đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá tại các xã Yên Từ, Yên Nhân với quy mô gần 10ha. 

Mô hình hỗ trợ cho người nông dân về giống, phân bón, đồng thời hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối và nuôi trồng thủy sản.

Mô hình lựa chọn những diện tích đất đang sản xuất lúa gặp rất nhiều khó khăn, chân ruộng trũng, điều tiết nước không thuận lợi, vị trí xen kẹt với khu dân cư nên sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt chuột hại, năng suất lúa ở những diện tích này thường rất thấp, có những năm mất mùa, người dân trồng lúa trắng tay. 

Vì vậy khi triển khai, mô hình trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi thủy sản được người dân hưởng ứng rất cao.

Khi chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, có nghĩa là phải cải tạo lại mặt bằng, dùng máy múc để nâng cao cốt đất, diện tích được múc lên trồng chuối và diện tích sau khi được múc đảm bảo đủ điều kiện để nuôi thủy sản. 1ha chuyển đổi sẽ trồng được khoảng 1.000 - 1.200 cây chuối tây Thái Lan.

Giống chuối được trồng được đánh tỉa từ những vườn chuối sạch bệnh với tiêu chuẩn cây giống đạt từ 3 - 5 lá, khi trồng được làm hố, bón lót, bón thúc đầy đủ theo đúng quy trình nên chuối sinh trưởng phát triển tốt. 

Sau trồng khoảng 14 - 15 tháng, chuối đã cho thu hoạch, mỗi buồng nặng từ 20 - 25kg, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, chất lượng quả tốt, giá bán trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Như vậy, thu nhập từ chuối quả thương phẩm đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Trồng chuối kết hợp nuôi thuỷ sản, lợi cả đôi  đường - Ảnh 4.

Ngoài ra, các hộ sản xuất còn thu thêm từ các sản phẩm phụ từ cây chuối như: Hoa chuối, thân, lá với giá trị thu ước tính khoảng 15 triệu đồng/ha. Đặc biệt có những hộ thâm canh tốt, thực hiện tốt các khâu chăm sóc và bảo vệ thực vật nên vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh, cây trong vườn đủ tiêu chuẩn để bán cây giống cho các hộ dân trong và ngoài xã đến mua với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/cây, nên những hộ này thu thêm từ 30 - 40 triệu/ha tiền bán giống.

Tận thu cả hoa, thân, lá

Ông Đinh Văn Mạnh – Giám đốc HTX Tiên Phong (xã Yên Từ) cho biết, năm 2018 HTX mở rộng diện tích trồng chuối thêm 4,6ha, sang năm 2019 phát triển tiếp 2,7ha với gần 40 hộ tham gia. Giống chuối tây Thái Lan sau trồng khoảng 15 tháng là được thu hoạch, mỗi cây chuối cho khoảng 205-30kg quả. Đầu ra cho quả chuối này hiện khá ổn định, lái buôn thường đến tận vườn thu mua.

Trồng chuối kết hợp nuôi thuỷ sản, lợi cả đôi  đường - Ảnh 5.

Mô hình trồng chuối tây Thái Lan trên bờ, dưới ao thả cá đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân ở Yên Mô (Ninh Bình).

Đặc biệt, trồng chuối, bà con gần như không phải bỏ đi thứ gì: Quả bán ăn tươi, hoa chuối thường bán cho các quán ăn, nhà hàng hoặc đưa ra chợ để chế biến thành thực phẩm sạch với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/ha; thân chuối bán cho hộ chăn nuôi gà, lợn với giá 5.000 - 7.000 đồng/cây. Thậm chí lá chuối cũng được tận thu, bán cho các hộ chăn nuôi làm thức ăn gia súc hoặc dùng gói bánh, giò chả…

Trên bờ trồng chuối, dưới ao nuôi thủy sản có thể đem lại thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Tính tổng thu nhập từ mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng chuối kết hợp nuôi cá khá cao, từ 300 - 450 triệu/ha/năm, cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa.

Theo bà con, chuối tây Thái Lan là loại cây trồng dễ thích nghi, không kén đất, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ban đầu thấp, cây con từ gốc sẽ mọc lên và tiếp tục cho thu hoạch, thị trường tiêu thụ tương đối rộng... nên rất phù hợp để sản xuất với quy mô lớn. 

Tuy nhiên, thời tiết khí hậu của miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 7 thường bị ảnh hưởng bởi mưa bão, người trồng chuối phải tính toán sao cho chuối ra buồng vào giai đoạn tháng 9, 10 thì sản lượng đạt cao nhất, cũng như phải có phương án chằng chống để chuối không bị đổ ngã khi có gió bão. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem