Ninh Bình: Giúp nông dân có nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm

Lê Bích Thứ sáu, ngày 12/03/2021 12:39 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy nghề hỗ trợ cho hội viên. Qua đó, giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu và ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Học nghề xong có ngay việc làm

Là một trong những hội viên nông dân tham gia lớp dạy nghề đan cói thủ công do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh Ninh Bình) tổ chức, bà Lê Thị Phượng (ở xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm nông nên những lúc nông nhàn rảnh rỗi không có việc làm khiến thu nhập từ cây lúa không đủ để chi phí sinh hoạt. Năm 2020, tôi đã được tham gia lớp đào tạo nghề đan cói thủ công, được hướng dẫn cầm tay chỉ việc. Hơn nữa, Hội ND còn liên hệ với công ty đầu tư và xuất khẩu Thành Hóa bao tiêu đầu ra cho chúng tôi. Hiện nay, gia đình tôi mỗi ngày làm được từ 30 - 40 sản phẩm từ cói. Trung bình mỗi tháng thu về trên dưới 4 triệu đồng, cuộc sống gia đình nhờ đó cũng ổn định hơn.

Giúp nông dân có nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Ninh Bình thăm lớp dạy nghề đan lát thủ công bằng cói tại xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh năm 2020. Ảnh: Lê Bích

Năm 2020, các cấp Hội ND trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức được 11 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 345 hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức hơn 294 lớp dạy nghề cho gần 16.419 hội viên nông dân tham gia.

Sau khi tham gia lớp nuôi và phòng trị bệnh cho gà do Hội ND tỉnh tổ chức, bà Bùi Thị Vi (hội viên nông dân xã Sơn Hà, huyện Nho Quan) đã quyết định nuôi thêm 50 gà lai chọi. Nhờ áp dụng các kỹ thuật được học đàn gà nhà bà Vi lớn nhanh, không bị dịch bệnh. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bà xuất gà với giá 95.000 đồng/kg trung bình mỗi con từ 3-4kg, đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Hỗ trợ sau học nghề

Đây chỉ là hai trong nhiều hội viên, nông dân điển hình được đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Những năm qua, các cấp Hội ND trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên, nông dân. Cụ thể, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố và các cấp hội cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với từng huyện, xã để phối hợp, tổ chức dạy nghề cho hội viên.

Theo đó, công tác đào tạo nghề cho hội viên đã được các cấp Hội ND trong toàn tỉnh chú trọng. Năm 2020, các cấp Hội ND trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức được 11 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 345 hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức hơn 294 lớp dạy nghề cho gần 16.419 hội viên nông dân tham gia.

Các lớp dạy nghề tập trung chủ yếu vào những ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp như: Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, trồng rau an toàn; đan cói thủ công…

Các học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên. Sau thời gian học nghề, các học viên hầu hết đều chủ động triển khai vào thực tiễn, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt khoảng 87%.

Song song với đó, khi hội viên, nông dân bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế từ lớp đào tạo nghề, các cấp Hội ND thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, phân bón, cây/con giống hoặc các dụng cụ lao động… Năm 2020, Hội ND các cấp đã cung ứng 1.150 tấn phân bón trả chậm, cung ứng 2,5 tấn giống các loại, 11 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 1.120 tấn thức ăn chăn nuôi cho hội viên nông dân.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành tổ chức 2.165 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 121.074 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia với nhiều nội dung thiết thực ý nghĩa như: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản…

Ngoài ra, việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp cũng được Hội ND các cấp triển khai. Hiện toàn tỉnh thành lập được 14 chi, tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, sản xuất đá mỹ nghệ, kinh doanh du lịch cộng đồng. Đây là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân.

Ông Hoàng Ngọc Chinh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: "Thời gian tới, Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các chương trình, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, tranh thủ những nguồn hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương triển khai những mô hình điểm về sản xuất theo quy mô hàng hóa, đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân". 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem