dd/mm/yyyy

Những triệu phú nuôi "thủy quái" đôi bờ Sông Mã

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, ở huyện vùng cao Sông Mã (Sơn La) đã xuất hiện nhiều nông dân có thu nhập từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình nuôi ba ba gai.

Xây được nhà 3 tầng từ nuôi ba ba gai

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Sông Mã, chúng tôi đến nhà ông Bùi Huy Ngọc ở bản Nà Hin 2 (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) để tìm hiểu mô hình nuôi ba ba gai của ông.

Những triệu phú nuôi “thủy quái” bên dòng sông Mã - Ảnh 1.

Ông Bùi Huy Ngọc bên cạnh con ba ba khủng của gia đình mình.

Trên đường từ thị trấn Sông Mã đi vào nhà ông Ngọc, mỗi khi chúng tôi dừng lại hỏi đường, người dân nơi đây không ai là không biết đến ông Cả. Mọi người bảo: "Ông Ngọc nuôi cả vạn con ba ba gai. Nhờ nuôi con "thủy quái" này mà năm nào ông cũng thu tiền tỷ".

Nhìn thấy chúng tôi đến thăm, ông Ngọc tay bắt mặt mừng tiếp đón. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, ông Ngọc liền khoe: Đối với nhiều người để xây được ngôi nhà 3 tầng như này cũng phải làm bở hơi tai. Nhưng nhờ nuôi ba ba gai, tôi chỉ cần xuất bán một lứa đã có được ngôi nhà này rồi.

Những triệu phú nuôi “thủy quái” bên dòng sông Mã - Ảnh 2.

Nhờ nuôi ba ba gai, ông Ngọc dựng được nhà cửa khang trang.

Tiếp tục trò chuyện, chúng tôi cùng ông Ngọc nhớ lại một thời gian khổ khi mới đặt chân lên vùng đất Sông Mã khai hoang vùng kinh tế mới. "Khi mới lên vùng đất này khai hoang, cuộc sống gia đình tôi thiếu thốn đủ đường. Tôi từng lang bạt khắp các bản vùng cao buôn ngô, sắn để kiếm tiền nuôi gia đình nhưng vẫn không khá lên được", ông Ngọc kể lại.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Ngọc nhận thấy đất Sông Mã vốn là cái nôi của ba ba gai, nên ông mạnh dạn nhận đấu thầu khu đất trũng ở xã Nà Nghịu để làm kinh tế. Có được đất, ông Ngọc vay mượn khắp nơi để xây ao và mua hơn trăm con giống ba ba gai ở huyện biên giới Sốp Cộp (Sơn La) về nuôi.

Những triệu phú nuôi “thủy quái” bên dòng sông Mã - Ảnh 3.

Mặt ao nuôi ba ba phủ kín bèo để giữ vệ sinh cho ao và giữ ẩm cho ba ba vào mùa đông.

"Nuôi được vài năm, đàn ba ba gai của ông Ngọc sinh trưởng và phát triển rất tốt. Mừng quá, tôi rơi nước mắt và bảo với vợ: Giàu rồi mình ơi! Anh tìm được con đường thoát nghèo rồi" – ông Ngọc vừa cười vừa kể.

Hiện, diện tích mặt ao nuôi ba ba gai của ông Ngọc rộng gần 1ha. Với gần 13 năm làm bạn với đàn "thủy quái", ông Ngọc cũng không biết trong ao mình đang có bao nhiêu con ba ba nữa. Sau một hồi đếm ngón tay, ông bảo với chúng tôi có trên vạn con ba ba gai. Trong đó, con to nhất nặng hơn 30 kg, còn lại nặng từ 10 đến 20 kg đổ lại.

Mỗi năm, ông Ngọc xuất bán gần tấn ba ba gai thương phẩm; bán trên 6.000 con ba ba gai giống. Với giá bán ba ba thương phẩm từ 500.000 đồng/kg trở lên và 100.000 đồng/con ba ba giống, ông Ngọc thu trên 1 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 700 triệu đồng.

Thu tiền tỷ nhờ nuôi ba ba gai

Ông Bùi Quang Bình, sinh năm 1960, bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, cho biết: Năm 2007, Tôi thấy một số hộ nuôi ba ba gai trong vùng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bàn với gia đình, tôi quyết định vay ngân hàng 1 tỷ đồng xây ao và mua 100 con ba ba giống về nuôi.

Những triệu phú nuôi “thủy quái” bên dòng sông Mã - Ảnh 4.

Từ nuôi ba ba gai, ông Bình "bỏ túi" tiền tỷ mỗi năm.

Để có kinh nghiệm chăm sóc, ông Bình tìm đến các trang trại nuôi ba ba trong vùng để học hỏi. Theo ông Bình, so với các loại vật nuôi khác, ba ba gai rất dễ nuôi. Để ba ba gai sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn nước cung cấp cho ao nuôi phải sạch, phía mặt ao phủ kín bèo để giữ ấm cho ba ba vào mùa đông; thức ăn cho ba ba gai phải đặt trên máng bê tông, cốt thép, tránh nước bị ô nhiễm... Khi xây dựng ao nuôi ba ba gai cần dành vài mét vuông phủ cát ở rìa bờ để làm nơi cho ba ba đẻ trứng. 

Những triệu phú nuôi “thủy quái” bên dòng sông Mã - Ảnh 5.

Từ lâu ba ba gai nuôi bên cạnh dòng sông Mã được đánh giá thơm ngon hơn ba ba nuôi ở nơi khác nên được thương lái rất ưa chuộng.

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đàn ba ba của ông Bình sinh nở và phát triển rất tốt. Hiện, ông Bình có 10 cái ao rộng cả nghìn mét vuông nuôi ba ba gai. Trong ao có hàng chục tấn ba ba các loại. Với giá bán khoảng 500.000 đồng/kg ba ba thương phẩm, mỗi năm, trừ chi phí ông Bình lãi hơn 1 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, tiêu thụ nhiều nhất là các mối hàng ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, bà Lò Thị Nhương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Mã, cho biết: Từ mô hình nuôi ba ba, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Sông Mã không những thoát được nghèo mà còn vươn lên thành hộ giàu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ba ba gai cho những hộ gia đình có nhu cầu. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Tuệ Linh