Những nội dung nổi bật nhất trong tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

T.A Chủ nhật, ngày 24/05/2020 12:37 PM (GMT+7)
Tuần qua là tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đây là kỳ họp được đánh giá “đặc biệt” nhất trong hơn 70 năm qua. Nhiều vấn đề quan trọng đã được đề cập đến, trong đó công tác xây dựng pháp luật là nội dung chính được báo cáo và thảo luận.
Bình luận 0
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/5. Dự kiến diễn ra trong 19 ngày.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/5. Dự kiến diễn ra trong 19 ngày.

Kỳ họp đặc biệt, ghi dấu đổi mới, đoàn kết

Sáng 20/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Theo chương trình, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được chia thành hai đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là kỳ họp đặc biệt khi lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến, thể hiện sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. (ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. (ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

"Kỳ họp thứ 9 sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và Nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước" – Chủ tịc Quốc hội nói.

Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cán bộ, công chức từ 1/7/2020

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Nhìn lại tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Đáng chú ý, trong đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

"Cử tri quan tâm nhiều đến công tác nhân sự Đại hội XIII"

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ chín lần này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, quan tâm nhiều đến nội dung văn kiện và công tác nhân sự, đặc biệt là Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

"Cử tri, Nhân dân mong muốn các cấp ủy đảng khi tổ chức đại hội cần quan tâm đến chất lượng, lựa chọn được những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, trí tuệ, xứng đáng tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước" – báo cáo cho biết.

Đồng thời, cử tri và Nhân dân ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; các cơ quan, chính quyền đã đẩy mạnh phân công, phân cấp, công khai tiêu chuẩn, quy trình, chống "chạy chức, chạy quyền"; xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan.

Cấm cho nước ngoài sử dụng biên giới Việt Nam để chống phá nước khác

Trong tuần làm việc đầu tiên này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng trình bày tờ trình về dự thảo luật Biên phòng Việt Nam. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết. Dự thảo luật gồm 7 chương, 33 điều. 

Nhìn lại tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Ảnh 5.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng trình bày tờ trình về dự thảo luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. (ảnh: Quochoi.vn).

Trong đó, điều 4 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Sử dụng khu vực biên giới, cho nước ngoài hoặc các thế lực khác sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới; Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; Giả danh lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng…

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh của QH Võ Trọng Việt cho hay, UB cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật Biên phòng Việt Nam. Về trang bị của bộ đội biên phòng, dự thảo quy định, "được trang bị máy bay, tàu thuyền, ô tô và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định pháp luật".

Tranh luận gay gắt dự thảo Luật Giám định Tư pháp sửa đổi

Tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp nhiều đại biểu tranh luận có hay không nên bổ sung quy định chức năng phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nhìn lại tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Ảnh 6.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết có 2 loại ý kiến.

Loại kiến thứ nhất tán thành dự thảo luật, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Ý kiến thứ hai đề nghị không bổ sung quy định này, vì VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí...

Đáng chú ý, 4 Thiếu tướng là: Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên thường trực UB Quốc phòng và An ninh; Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực UB Quốc phòng và An ninh; Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực UB Quốc phòng An ninh và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã tranh luận việc VKSND Tối cao có được giám định âm thanh, hình ảnh. Trong đó, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đồng ý với "loại ý kiến thứ nhất" còn 3 Thiếu tướng còn nghiêng về "loại ý kiến thứ hai".

Liên quan đến ý kiến trên, trong phát biểu kết thúc phiên làm việc, qua tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay: "UB Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp cơ quan chủ trì Dự thảo và các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 10/6 tới đây.

Chính phủ đề nghị bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021

Tại tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày sáng nay tờ trình về dự luật Cư trú sửa đổi.

Nhìn lại tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV - Ảnh 6.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự luật Cư trú sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, một trong những nội dung cơ bản của dự luật là bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo Bộ trưởng Công an, việc này sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân gồm 7 nhóm thủ tục bị bãi bỏ toàn bộ và 6 nhóm sửa đổi bổ sung.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân.

Đề xuất thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND tại Đà Nẵng

Cũng trong tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Theo đó, Chính phủ đề nghị thí điểm mô hình một cấp chính quyền địa phương tại Đà Nẵng, gồm HĐND và UBND; hai cấp hành chính còn lại (quận, phường) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND. Riêng huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc tiếp tục giữ mô hình 3 cấp chính quyền gồm HĐND và UBND.

Đáng chú ý, một số đại biểu đề xuất thí điểm người dân bỏ phiếu bầu Chủ tịch UBND như đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương); đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre); đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem