dd/mm/yyyy

Những kỳ vọng nơi “thủ phủ” cà phê Tây Bắc

Mai Sơn là huyện vùng núi của tỉnh Sơn La, được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp khiến nơi đây được ví như “thủ phủ” cà phê Tây Bắc. Nhờ trồng cà phê mà cuộc sống của nông dân ở vùng đất cằn này ngày càng vươn lên, khấm khá hơn.

Cây cà phê đã giúp cho hàng nghìn nông dân ở Mai Sơn phát triển kinh tế

Cây cà phê vị trí số 1 ở Mai Sơn

Cây cà phê được đưa vào trồng ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La từ năm 1945, đến năm 1994 chính thức đưa vào trồng 100ha tại xã Chiềng Ban. Nhờ khẳng định được chất lượng và hiệu quả kinh tế, diện tích cà phê ngày càng mở rộng. Đến nay, tổng diện tích cây cà phê Mai Sơn tăng lên gần 4.200ha, tập trung ở các xã Chiềng Ban, Chiềng Mung, Chiềng Chung, Mường Tranh...

Toàn huyện Mai Sơn có 4.200ha, chiếm 33,9% diện tích cây cà phê toàn tỉnh. Bình quân năng suất quả cà phê tươi ước đạt 120 - 150 tạ/ha; tổng sản lượng cà phê quả tươi mỗi năm ước đạt trên 52.000 tấn, doanh thu ước đạt trên 368 tỉ đồng.

Là người đầu tiên trong xã đưa cây cà phê về trồng, anh Hoàng Văn Cường, ở bản Tin Tốc, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) kể lại: Trước kia, nơi đây đều là dải đất cằn, trồng cây ngô năng suất cũng thấp. “Năm 1997 tôi xuống trung tâm huyện mua ít giống cà phê về trồng thử, ai ngờ cây lớn nhanh, phát triển tốt, 2 năm sau cây ra quả sai chi chít…”.

Khi ấy, anh Cường mới trồng thử nghiệm 1.000m2 cà phê. Thấy trồng cà phê hiệu quả anh chuyển hết đất canh tác sắn, mía sang trồng cà phê. Đến nay gia đình anh có hơn 1 ha cà phê, mỗi năm thu hơn 20 tấn quả tươi, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.

Còn anh Lò Văn Hồng, bản Tin Tốc (Chiềng Ban) cho biết: Trồng cà phê hiệu quả hơn hẳn so với trồng cây sắn, cây mía. “Trồng cà phê còn có thể trồng xen ghép các loại cây ăn quả khác như xoài, bơ, mận, cam, bưởi… cho thu nhập gấp 4-5 lần trồng ngô mà cũng chỉ bằng ấy diện tích đất”. Có thời đểm giá cà phê lên xuống thất thường nhưng tính ra vẫn có lãi nên anh xác định gắn bó lâu dài với cây cà phê.

Cà phê mai Sơn đang vào mùa thu hoạch năm nay cho năng suất cao

Hiện nay, cà phê đã thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế huyện Mai Sơn. Đến nay, sản lượng cà phê của Mai Sơn hàng năm trên 52.000 tấn, doanh thu từ cà phê của huyện mỗi năm hơn 368 tỉ đồng. Giải quyết việc làm cho hàng nghìn nông dân ở địa phương. Từ thâm canh cà phê, trên vùng đất này ngày càng xuất hiện nhiều tỉ phú.

Đã có chỉ dẫn địa lý

Để cây cà phê phát triển bền vững, huyện Mai Sơn đã hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu chọn giống, trồng đến chăm sóc chế biến. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm ngày càng có uy tín, được nhiều người tin dùng. Liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra cho sản phẩm cà phê, giúp nông dân ngày thêm gắn bó với cây cà phê.

Đặc biệt, ngày 27.10, huyện Mai Sơn tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La, nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Mai Sơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực, mở ra hướng phát triển bền vững cho cây cà phê.

Nông dân phơi, sấy khô cà phê sau khi thu hoạch.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn cho biết: Để cây cà phê phát triển bền vững, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, như: Sử dụng công nghệ tưới ẩm, nhỏ giọt; trồng xen canh với các loại cây ăn quả để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê…

Quốc Định