dd/mm/yyyy

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La

Sáng nay (10/12), Hiệp Hội Cà phê Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học một số giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La.

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; đại diện Diễn đàn cà phê toàn cầu tại Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh; thành viên Hiệp Hội cà phê Sơn La và một số hộ gia đình tiêu biểu trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La (giữa) cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

Hiện nay, Sơn La là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Miền Bắc, với gần 20.000 ha, sản lượng ước đạt gần 30.000 tấn cà phê nhân, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La; trong đó: trên 16.500 ha cà phê được cấp chứng nhận UTZ; 88 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 97 ha cà phê đặc sản. Cà phê Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ; sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý năm 2017.

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Mùa Xuân.

Niên vụ 2021 - 2022, cà phê Sơn La được mùa, được giá, sản lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 26.500 tấn sang thị trường các nước: Đức, Mỹ, Ấn độ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay nhiều diện tích cà phê Sơn La đã trồng lâu năm cần phải tái canh, cải tạo để nâng cao năng suất; việc thu mua quả tươi phục vụ chế biến chủ yếu sử dụng phương pháp chế biến ướt.

Trên địa bàn tỉnh chế biến sâu mới có 5 đơn vị tham gia gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH sản xuất thương mại Cát Quế, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh, HTX Bích Thao. Còn lại sản lượng cà phê quả tươi do các hộ trồng cà phê tại Sơn La tự chế biến bằng các máy xát quả tươi với quy mô nhỏ, công suất từ 1,5 - 2 tấn quả tươi/giờ, chưa đáp ứng nhu cầu chế biến trong vụ thu hoạch, chất lượng kém không đồng đều, khó kiểm soát được chất lượng…

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học một số giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Phát triển cây cà phê đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Sơn La ổn định diện tích cà phê 17.000 ha, năng suất từ 2 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha, sản lượng cà phê nhân ước đạt 33.600 tấn; diện tích vùng nguyên liệu cho chế biến cà phê 15.000 ha, sản lượng cà phê nhân 30.000 tấn; đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng trồng lại, trồng tái canh; duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "cà phê Sơn La".

Theo đó, 6 giải pháp để phát triển cà phê bền vững tại Sơn La bao gồm: Xác định vùng sản xuất cà phê; giải pháp về khoa học công nghệ; tổ chức sản xuất; vốn; cơ chế, chính sách và xúc tiến thương mại.

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La - Ảnh 4.

Hội thảo khoa học một số giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình sản xuất và các kế hoạch phát triển cà phê giai đoạn 2021 - 2025; duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La; tình hình tiêu thụ và chế biến cà phê Sơn La; giới thiệu tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê, chè bền vững tại Việt Nam.

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La - Ảnh 3.

Gian hàng trưng bày giới thiệu một số giống cà phê và biện pháp tái canh cà phê tại Sơn La của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc. Ảnh: Mùa Xuân.

Đặc biệt, tại Hội thảo lần này, các đại biểu cũng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc giới thiệu một số triển vọng về giống cà phê và biện pháp tái canh cà phê tại Sơn La.

Trong đó, giống THA1, TN1, TN6, TN7, TN9 là giống đã được trồng thử nghiệm. Diện tích cà phê có từ 20 năm tuổi trở lên chiếm gần 4.000 ha, theo đó đề xuất giải pháp tái canh bằng cách trồng mới hoặc ghép cải tại.

Những giải pháp phát triển cà phê bền vững tại Sơn La - Ảnh 4.

Ông Phạm Quang Trung - Trưởng Đại diện Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) tại Việt Nam tham gia phát biểu ý kiến về một số giải pháp phát triển cà phê bền vững tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Ngoài các diễn giải khoa học, các bài tham luận trong buổi Hội thảo phải diễn giải sâu thêm về phương hướng, ban hành các văn bản liên quan đến phát triển ổn định diện tích vùng trồng cà phê; phải có những giống mới cho năng suất, chất lượng và chống chịu được sương muối; nghiên cứu làm sao có giải pháp chống chịu được sương muối. Cùng với đó, nghiên cứu sản phẩm mang tính đặc trưng cà phê Sơn La sau chế biến.

Chúng ta phải nhìn nhận xem cà phê Sơn La đang ở vị trí nào trên bản đồ cà phê trong nước và thế giới; định hướng đặc sản cà phê trong thời gian tới; quan tâm định hướng sản phẩm chế biến sâu, có như vậy mới giữ được chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đổi mới trang thiết bị máy móc; các nhà máy chế biến cà phê phải hết sức quan tâm đến vấn đề môi trường trong quá trình sơ chế, chế biến cà phê.



Mùa Xuân - Tuệ Linh