Nhu cầu bố trí dân cư rất lớn, nguồn lực đáp ứng ra sao?

Khương Lực Thứ sáu, ngày 15/09/2023 12:56 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhu cầu bố trí dân cư ngày càng nhiều, đặc biệt là bố trí ổn định dân cư phòng, tránh thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, số hộ dân di cư tự do từ giai đoạn trước đang ở phân tán tại các địa phương còn rất lớn, khoảng 16.000 hộ.
Bình luận 0

Bố trí dân cư là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện trong suốt giai đoạn vừa qua. Trong từng thời kỳ, có những chỉ đạo cụ thể như giai đoạn 2006-2012 triển khai thực hiện theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg và giai đoạn hiện nay thực hiện theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách khác.

Cơ bản đảm bảo mục tiêu đề ra về bố trí dân cư

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện có kết quả, cơ bản bảo đảm mục tiêu đề ra. Trong 10 năm trở lại đây (giai đoạn 2013-2022), cả nước đã bố trí ổn định cho hơn 113 nghìn hộ, trong đó hơn 60% số hộ ở vùng có nguy cơ về thiên tai (lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lut…), góp phần ổn định dân cư, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, di cư tự do, giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

Nhu cầu bố trí dân cư rất lớn, nguồn lực đáp ứng ra sao? - Ảnh 1.

Bố trí dân cư là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện trong suốt giai đoạn vừa qua. Trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã bố trí ổn định cho hơn 113 nghìn hộ dân. Ảnh: Nguyên Chương

Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021-2030 cả nước cần bố trí ổn định cho hơn 250 nghìn hộ vùng có nguy cơ về thiên tai. Cùng với đó, số hộ dân di cư tự do từ giai đoạn trước hiện đang ở phân tán tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên chưa được bố trí ổn định vào điểm dân cư theo quy hoạch còn tương đối lớn, khoảng hơn 16 nghìn hộ.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu, nội dung và một số giải pháp thực hiện công tác bố trí dân cư nói chung và bố trí dân cư vùng thiên tai nói riêng, nhằm ổn định dân cư, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, từng bước ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ di dân tại các điểm  dân cư được bố trí, sắp xếp vào vùng dự án.

Mục tiêu mà Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là giai đoạn 2021-2030 thực hiện bố trí ổn định 121.290 hộ, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định 64.238 hộ, bao gồm 47.159 hộ vùng thiên tai, 3.726 hộ vùng đặc biệt khó khăn, 2.872 hộ vùng biên giới, hải đảo; 10.526 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong  khu rừng đặc dụng. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng di dân tự do. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để sớm ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là việc bố trí các nguồn lực về vốn, đất đai…

Về nguồn lực, bố trí dân cư là một nội dung được đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020. Vì vậy, các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung danh mục dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn lực hạn hẹp, địa phương mong Trung ương hỗ trợ

Trong những năm qua, sạt lở bờ biển, bờ sông đã và đang trở thành nỗi bất an, là mối đe dọa ảnh hưởng tới tính mạnh và tài sản của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa mưa bão. Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông diễn biến rất phức tạp, gia tăng cả về số điểm, tốc độ và phạm vi. Từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km.

Nhu cầu bố trí dân cư rất lớn, nguồn lực đáp ứng ra sao? - Ảnh 2.

Khu cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau từng là một làng chài đông đúc nhưng giờ đây chỉ còn lại những căn nhà trơ trọi. Theo thống kê, hiện có 15 hộ đang sống ở khu vực sạt lở nguy hiểm ở cửa biển Vàm Xoay. Ảnh: Khương Lực

Chỉ riêng tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Cà Mau đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và trên 230 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tình trạng này đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, cả về quy mô, tần suất nên chỉ trong 10 năm gần đây, sạt lở đã làm mất trên 5.200ha rừng ven biển, diện tích bị mất tương đương với một xã của địa phương. Ngày 28/5/2023, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển với 6 vị trí trên tổng chiều dài hơn 29km tại 3 huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi.

Ông Phùng Sơn Kiệt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, thực hiện theo Quyết định 1776/QĐ-TTg, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương đầu tư xây dựng 11 dự án, cụm dân cư với tổng diện tích hơn 155 ha dọc theo bờ biển Tây và bờ biển Đông. Các dự án, cụm dân cư dự kiến bố trí cho 2.665 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và khu vực rừng phòng hộ biển Tây. Kết quả đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau đã bố trí làm thủ tục, quy trình cấp nền cho hơn 2.000 hộ, còn lại sẽ tiếp tục vận động bà con vào các khu tái định cư hoàn thiện.

Trước nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, ngày 27/10/2022, UBND Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngày 7/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện Chương trình bố trí dân cư đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo báo cáo mới nhất, tỉnh Cà Mau hiện còn 3.693 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, cần phải bố trí vào khu an toàn để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tỉnh Cà Mau đã có báo cáo trình xin Trung ương hỗ trợ thực hiện 2 dự án: Dự án Bố trí dân cư ấp Nhà Luận xã Tam Giang, huyện Năm Căn và Dự án khu tái định cư ấp Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Trong thời tới, hai dự án này được triển khai thực hiện sẽ góp phần giải quyết được chỗ ở ổn định cho khoảng hơn 300 hộ dân vùng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cùng với đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo hỗ trợ nguồn vốn xây dựng cơ bản để hoàn thiện các dự án bố trí dân cư đang thực hiện dở dang, phải hoàn thành từ nay đến năm 2025 để làm sao bố trí cho hết số hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển vào nơi ở an toàn, ổn định cuộc sống.

Theo Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, tổng số hộ dân di cư tự do giai đoạn 2015 đến 2019 là 67 nghìn hộ, số hộ đã bố trí ổn định là hơn 42 nghìn hộ. Sau khi Nghị quyết ban hành, các địa phương đã tăng cường các giải pháp về quản lý đất đai, quản lý địa bàn và thường xuyên nắm bắt tình hình về diễn biến dân di cư đi, đến trên địa bàn nên tình trạng di dân tự do đi các tỉnh khác đã giảm mạnh.

Đáng chú ý, từ tháng 3/2000 đến năm 2022, tổng số hộ dân di cư tự do đã tự ổn định cuộc sống và số hộ được các địa phương bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo vùng dự án là hơn 8 nghìn hộ. Như vậy, đến nay tổng số hộ dân di cư tự do cần được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch trong thời gian tới là hơn 16 nghìn hộ.

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là một trong những địa phương phải đón nhận lượng dân di cư tự do từ các vùng trong cả nước đến nhiều nhất. Qua số liệu thống kê, tỉnh Đắk Lắk cần bố trí, ổn định cho khoảng 10 nghìn hộ với hơn 49 nghìn nhân khẩu dân di cư tự do.

Trong gần 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai được 13 dự án bố trí dân di cư tự do với tổng kinh phí gần 638 tỷ đồng. Các dự án này đã góp phần bố trí ổn định cho gần 5.000 hộ dân di cư tự do ở các vùng đến tỉnh Đắk Lắk và giải quyết được khoảng gần 674ha đất ở, đất sản xuất. Nhiều khu tái định cư, làng mới đã được hình thành. Điện, đường và những công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn chỉnh đã giúp cho các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, nhu cầu về bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn rất lớn. Hiện tại, diện tích đất còn lại cần xem xét, giải quyết cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào khoảng 13.565 ha. 

"Hiện nay nó đang vướng một số chủ trương trước đây của Chính phủ, ví dụ như Kết luận 176 của Thủ tướng Chính phủ, tại thông báo Kết luận số 176 trước đây quy định đối với các diện tích bị phá rừng thì phải kiên quyết không chuyển đổi mà phải phục hồi lại rừng" - ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin.

Theo ông Dương, nếu chúng ta không bố trí quỹ đất cho các hộ dân di cư tự do thì họ vẫn ở rải rác ở trong rừng và như vậy nguy cơ phá rừng còn rất lớn. Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có kiến nghị đối với Trung ương thống nhất chủ trương là những vùng xét thấy phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp của địa phương thì chấp nhận để chuyển đổi và bố trí đất ở, đất sản xuất để sớm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân.

Cùng với khó khăn về đất đai, Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên cũng gặp khó khăn về nguồn lực để triển khai, thực hiện các dự án bố trí dân cư cho các hộ dân di cư tự do vào địa bàn. "Các dự án dân di cư tự do ở Đắk Lắk hiện nay đang xây dựng khoảng 4 dự án nữa, theo số liệu thì cần hàng ngàn tỷ đồng để bố trí cho việc đầu tư kế cấu hạ tầng vùng dự án để đảm bảo điều kiện sinh sống thiết yếu cho sinh sống của người dân khi đưa về. Nguồn lực này rất cần Trung ương quan tâm, bố trí cho địa phương vì Đắk Lắk và một số tỉnh Tây Nguyên đều là tỉnh nghèo, tỉnh khó khăn và đều trợ cấp trên 60% từ nguồn ngân sách Trung ương" – ông Dương nói. 

Được sự quan tâm chỉ đạo từ các Bộ, ngành Trung ương, sự chủ động, tích cực triển khai tổ chức thực hiện bố trí dân cư tại các địa phương, đặc biệt là bố trí dân cư ra khỏi địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai, đặc biệt khó khăn, bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem