dd/mm/yyyy

Nhớ món "Bắt cô trói cột"

Chiều quê lúc tháng 3, trên không trung bất chợt nghe tiếng chim kêu bắt cô trói cột, bắt cô trói cột, lanh lảnh ở miền trung du xứ Quảng. Tiếng kêu mà ngày đó bọn nhỏ chúng tôi thường nhại theo là mít non xắt luộc, mít non xắt lụộc

Đó cũng là thời điểm ở chợ quê có bán cá chuồn và trong các khu vườn quê, mít non đã đeo lủng lẳng trên cành.

Nhớ món "Bắt cô trói cột" - Ảnh 1.

Mẹ quê gọt vỏ mít non

Ngày ấy, xứ Quảng quê tôi nghèo xơ xác. Những năm hạn hán, bão lụt gây mùa màng thất bát, người dân quê tôi thường phải ăn khoai, ăn sắn, ăn mít… để thay cơm. Cho nên, trong mỗi khu vườn đều có trồng sắn, khoai hoặc dăm ba cây mít lấy quả ăn trong những ngày thiếu đói, giáp hạt.

Mẹ tôi là một "chuyên gia" chế biến quả mít thành những món ăn hấp dẫn như mít non luộc "xắt phay" chấm mắm ruốc, mắm cái hoặc làm gỏi mít; mít chín ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ "kẹo dẻo" hoặc là món mít hông rất thơm ngon khiến bọn trẻ chúng tôi luôn mê mẩn.

Nhớ món "Bắt cô trói cột" - Ảnh 2.

Mít non đã gọt vỏ, bỏ lõi

Trên đường đi đến chợ quê, tại các điểm "đón đàng", người mua chất hàng gánh mít non bên lề đường. Tại chợ Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mít non cũng nhiều, nhưng chủ yếu là các bạn hàng ở thành phố Đà Nẵng, Cẩm Lệ… mua về bỏ lại cho các tiệm ăn ở nội thành. Trong chợ, có vài điểm bán mít non đã luộc.

Xứ Quảng có câu hát dân gian: "Ai lên nhắn với nậu nguồn / Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên…". Đúng vậy, mít non mà kho với cá chuồn, thì "bới" cơm không kịp. Còn món mít trộn, xúc bánh tráng thì "tuyệt chiêu" hơn nữa. Tuy nhiên, tôi rất thích ăn món mít non luộc chấm mắm cái có pha ớt, tỏi, chanh. Món này người dân quê thường ví như"thịt heo xắt phay" nên đặt tên là món mít non "xắt phay", do ở xa nhìn đĩa mít non luộc nầy giống y chang đĩa thịt heo xắt phay chấm mắm cái.

Nhớ món "Bắt cô trói cột" - Ảnh 3.

Mít non đã luộc chín

Ở quê, khách đến chơi nhà, không cần phải "cao lương mỹ vị", cứ ra vườn chọn trái mít non vừa tầm (cỡ bắp chân người lớn), chọn trái đều đặn, không u nần, sâu bệnh, như vậy sẽ ít xơ, ăn ngọt và bùi hơn. Sau khi cắt bỏ phần có cuống khoảng 5 phân, dùng một cây (cọc) nhọn (nhỏ hơn cán liềm), đầu nhọn đóng vào phần lõi vừa cắt của trái mít. Một tay nắm cọc đã đóng, tay kia nắm dao, liềm… để gọt vỏ. Sau đó cắt dọc từng miếng nhỏ, dày khoảng 5cm, rửa sạch mủ, lạng bỏ lõi mít và bỏ vào nồi nước sôi để luộc. Khi những miếng mít được nấu chín, đã mềm, có thể dễ dàng cắm chiếc đũa xuyên qua, biết là mít đã đến độ, mẹ liền vớt ra rổ để nguội.

Nhớ món "Bắt cô trói cột" - Ảnh 4.

Đĩa gỏi mít non

Nếu dùng "xắt phay" thì xắt dày, trộn sơ với vài cọng rau thơm như rau húng, rau quế… chấm mắm cái Muốn làm món gỏi mít non, chỉ cần lấy một lon tép khô, rửa sạch, để ráo. Khử dầu phụng (thứ thiệt) bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu và tỏi đã bốc mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị…sau đó đổ mít đã luộc và xắt nhỏ vào xoong, đảo nhiều lần cho đều; rải đậu phụng rang (đã giã dập), rau thơm vào. Dùng bánh tráng nướng vàng ươm để xúc, nhai rôm rốp, nghe  thấm đậm hương vị quê nhà.

Ngoài ra, ở xứ biển hoặc có nơi, người ta còn bán hoặc chế biến món mít non trộn với sứa, hoặc món bún mắm nêm trộn với mít non… món ăn dân dã nhưng hấp dẫn khó có gì sánh bằng. Dù xa quê, nhưng khi liên tưởng đến món mít non "xắt phay" hay các món mít non trộn sứa cùng với thịt heo ba chỉ, tôm, hoặc mít non kho với cá chuồn thơm lừng cũng râm ran… trong miệng.

Nhớ món "Bắt cô trói cột" - Ảnh 5.

Món mít non "xắt phay

Vào những năm hạn hán, mùa màng thất bát, món "mít non xắt phay" là món ăn thường xuyên của nhà tôi. Lâu lâu, ăn một lần thì ngon. Song, ăn loại "thịt heo" này mãi cũng đâm ngán. Nhưng sợ mẹ buồn, anh em chúng tôi không ai bảo ai, cố mà ăn hết đĩa mít luộc để cái bụng được no mà có sức học hành.

Ngày nay, mỗi lần đi qua khu vườn nhà ai, thấy mít non đang lủng lẳng trên cành, tôi lại bùi ngùi nhớ về mẹ tôi,  nhớ món "thịt heo xắt phay" và tiếng chim "bắt cô trói cột" năm nào.

Tiên Sa