dd/mm/yyyy

Nhìn thẳng từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng

Gần đây, vụ việc một tòa nhà bảy tầng của tư nhân xây dựng không phép, như cái gai xấu xí đâm vào đỉnh đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã gây bức xúc trong dư luận.

Khu vực xây khách sạn Panorama Mã Pì Lèng là vực Tu Sản, nhìn xuống dòng sông Nho Quế, nơi dừng chân thưởng cảnh của du khách.

Nhìn từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Zing.vn
Nhìn từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Zing.vn

Mã Pì Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2009, nên nó là di sản văn hóa vật thể, được điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa năm 2001 cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Cho nên, đây phải được xem là khu vực bảo vệ I của danh lam thắng cảnh, bởi theo điểm a, khoản 1, Ðiều 13 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 sửa đổi Ðiều 32 Luật Di sản văn hóa năm 2001 thì: "Khu vực I là vùng có những yếu tố gốc cấu thành di tích".

Thế nhưng theo Cục Di sản (Bộ VHTT và DL), sau khi kiểm tra hồ sơ di tích, thông tin trên báo chí và báo cáo của Sở VHTT và DL Hà Giang thì toà nhà này không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, cũng không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Khá khó hiểu vì sao vị trí đắc địa nơi con đèo nhô ra có thể quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế lại không nằm trong khu vực bảo vệ của di tích? Bằng mắt thường có thể thấy ngay sát ngôi nhà là mốc giới di tích và tấm biển ghi "Ðiểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng" (có logo của UNESCO và Công viên địa chất Cao nguyên đá Ðồng Văn). Ðiều gì chung giữa tên gọi khách sạn "Mã Pì Lèng Panaroma" (toàn cảnh Mã Pì Lèng) và tấm biển ghi cùng nội dung có vị trí ngay cạnh nhau, phải chăng đây là cái cớ để ai đó vừa làm thương hiệu lại vừa "lách luật"?

Phải chăng dựa vào những lý do kể trên, đại diện chính quyền huyện Mèo Vạc cũng cho rằng công trình chỉ vi phạm về cấp phép đầu tư, xây dựng chứ không đả động đến vi phạm Luật Di sản văn hóa; còn chủ đầu tư công trình cho biết, huyện rất quan tâm đến công trình này, nhiều ban, ngành đã tới kiểm tra độ an toàn của công trình (!).

Dù thế nào thì hình ảnh tòa nhà thô kệch, xấu xí, phá vỡ cảnh quan di sản là không thể chấp nhận được. Tuy Ðiều 36, Luật Di sản văn hóa quy định: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Ðiều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch", thì nội hàm "xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường" khá rộng, chỉ mang tính khuyến cáo là chính, đến khi triển khai thực hiện có thể bị lạm dụng vì những mục đích không trong sáng mà không phạm luật. Kể cả khi vi phạm được làm rõ, thì người vi phạm vẫn có thể biến báo là do lỗi... nhận thức!

Di sản dù do thiên nhiên ban tặng hay tiền nhân để lại thì cũng là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Với thuộc tính chung "độc nhất vô nhị", nếu di sản bị xâm hại hoặc mất đi sẽ không thể lấy lại được. Vì vậy, bảo vệ di sản không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà là của toàn dân, trong đó có các công chức, viên chức đang thi hành công vụ. Nhìn vụ việc từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng có thể thấy trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền huyện Mèo Vạc và sự thiếu quyết liệt của Sở VHTT và DL Hà Giang trong công tác tham mưu, giám sát việc chấp hành Luật Di sản văn hóa, có thể tạo tiền lệ xấu cho những vụ việc tương tự trong tương lai.

La Phù