Nhiều hộ nghèo ở Bình Định tự nguyện xin thoát nghèo

21/02/2021 10:09 GMT+7
Nhiều hộ dân ở xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, để “nhường” lại cho những hộ gia đình khó hơn.

Nhường cho hộ nghèo hơn

Gia đình chị Đinh Thị Hằng (SN 1978, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) gặp vô vàn khó khăn khi chồng bị bệnh hen suyễn, cứ mỗi khi chuyển trời hay trời lạnh là bệnh trở nặng. Nhưng trong đợt bình xét hộ nghèo vào cuối năm 2020, vợ chồng chị vẫn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

"Gia đình tôi hưởng chính sách hộ nghèo được 3 năm rồi. Giờ kinh tế gia đình cũng khá hơn trước. Vì nhiều người còn nghèo hơn mình, còn bệnh hơn mình, nên hai vợ chồng tôi quyết nhường cho người ta", chị Hằng chia sẻ.

Nhà có 7 người con đang tuổi ăn tuổi lớn, ông Đặng Thành Công (SN 1964, thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) cũng đang chật vật vì bệnh tật trong người.

Những gì có giá trị trong nhà đều bị bán, lấy tiền chữa bệnh, dù 2 vợ chồng ông suốt ngày làm lụng vất vả nhưng cái nghèo cứ bám lấy. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, những năm 2015, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp ông vào diện hộ nghèo để có bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách giảm nghèo.

Ông Công cho biết: "Tính sơ sơ tiền khám bệnh với thuốc men cũng hết hơn 3 triệu đồng/tháng. Được hộ nghèo, tôi có bảo hiểm y tế, không phải tốn tiền khi đi khám, chữa bệnh. Không nặng gánh tiền thuốc men, gia đình tôi cũng dư dả ít đồng để nuôi con gà, con heo tăng thu nhập".

Nhiều hộ nghèo ở Bình Định tự nguyện xin thoát nghèo - Ảnh 1.

Ông Đặng Thành Công xin thoát nghèo.

Đến năm 2019, ông Công được chính quyền địa phương tạo điều kiện giám định y khoa, được xác định là mất sức lao động 71%.

Vì thế, ông được hưởng bảo hiểm bảo trợ xã hội, có trợ cấp hàng tháng. Kể từ đó, ông liên tục trăn trở vì đã có bảo hiểm bảo trợ xã hội, giờ nằm trong hộ nghèo thì lãng phí bảo hiểm y tế.

Ông bàn tính với vợ và trong đợt xét hộ nghèo cuối năm 2020 vừa qua, hai vợ chồng quyết định xin ra khỏi diện hộ nghèo.

"Giờ con cái cũng đã lớn, cuộc sống không còn khó khăn nên tôi quyết định xin ra khỏi hộ nghèo để nhường suất cho những người còn khó khăn hơn tôi", ông Công nói và cho biết: "Khi được ra khỏi hộ nghèo, tôi thấy thoải mái vì ai lại thích gia đình nằm trong diện hộ nghèo. Nhưng lúc trước, tôi bệnh tật triền miên, phải nuôi 7 đứa con ăn học, cực chẳng đã mới xin vào diện hộ nghèo".

Lan tỏa thoát nghèo bền vững

Xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) là xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Thế nhưng, trong những năm qua đã có nhiều hộ dân tập trung phát triển sản xuất, tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại phần hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn, góp phần lan tỏa thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) cho biết, địa bàn xã có khoảng 11.000 nhân khẩu.

Trong năm qua, tỉ lệ hộ nghèo ở xã giảm trên 10% (từ 22,72% năm 2019 xuống còn 10,72%  năm 2020). Đặc biệt, năm 2019 có 8 hộ xin ra khỏi hộ nghèo, còn năm 2020 là 9 hộ, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Kim Sơn và Bình Sơn.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, địa phương tập trung trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi và tạo điều kiện cho con em đi lao động đi xuất khẩu lao động để xóa đói giảm nghèo. 

Nhiều hộ nghèo ở Bình Định tự nguyện xin thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhiều gia đình ở xã Ân Nghĩa xin thoát nghèo để nhường cho hộ khó khăn hơn.

"Bên cạnh đó, từ mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tập trung vào các mô hình như trồng cây ăn quả, hỗ trợ bò sinh sản, rồi các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo", ông Liên cho hay.

Đặc biệt, thôn Bình Sơn năm 2019 có 111 hộ nghèo, nhưng đến năm 2020 còn 54 hộ.

UBND xã Ân Nghĩa lý giải, các hộ ở thôn có "truyền thống" xin ra khỏi hộ nghèo để tạo điều kiện cho những người khó khăn hơn.

Lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân khẳng định, khi người dân có đơn xin tự nguyện thoát nghèo, chính quyền địa phương sẽ thành lập tổ công tác, nếu đầy đủ tiêu chuẩn, đúng trường hợp thoát nghèo theo quy định thì mới được chấp nhận.

Dũ Tuấn
Cùng chuyên mục