dd/mm/yyyy

Nhiều hệ lụy từ việc chôn lấp rác

Hiện phần lớn rác thải sinh hoạt tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 69%). Đây là phương pháp cổ điển, lạc hậu và ít được khuyến cáo sử dụng trong thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay.

Không chỉ riêng huyện Thủy Nguyên, nhiều địa phương khác cũng lựa chọn phương pháp chôn lấp rác. Bên cạnh những ưu điểm là đơn giản so với các công nghệ khác, chi phí đầu tư và vận hành thấp, có thể thu hồi khí CH4 thì đây là cách làm thủ công, chiếm nhiều diện tích đất, gây lãng phí, thời gian phân hủy rác thải chậm, dẫn đến hậu quả là sự xuống cấp ô nhiễm của nguồn nước, đất và không khí.

Nhiều hệ lụy từ việc chôn lấp rác - Ảnh 1.

Chôn lấp rác là cách làm phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương. Ảnh: T.L

Đó là chưa kể các vấn đề trọng yếu khác như: Gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, vấn đề rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy; vi phạm Luật Đê điều, mất mỹ quan, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp… (một số diện tích không thể canh tác, sản xuất được do bị ô nhiễm).

Do chưa có biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý nên người dân đã nhiều lần có kiến nghị, kiến nghị tập thể, khiếu kiện với chính quyền địa phương, tự ý đốt rác ngoài trời gây ô nhiễm, dễ cháy nổ, ngăn cản xe đổ rác… gây mất trật tự an ninh.

Ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho biết: Chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều. "Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển vẫn áp dụng mặc dù công nghệ này không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường" - ông Tùng cho biết.

Ông Tùng cũng cho hay, bất cập lớn hiện nay ở những bãi rác sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng lại không làm tầng lót đáy cho tốt. Điều này dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ, gây mùi hôi thối. Theo ông Tùng, trong điều kiện đất đai không có nhiều thì giải pháp công nghệ chôn lấp là giải pháp trước mắt. Nhiều nước đã chuyển qua sử dụng công nghệ khác vì diện tích đất hạn hẹp.

"Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vẫn là chủ yếu là phương pháp này vì nó rẻ, họ vẫn tưởng như còn quỹ đất nhưng thực ra quỹ đất hết sức hạn chế và tôi nghĩ rằng, các địa phương hiện này cũng không ai muốn mở bãi rác chôn lấp nữa" - ông Tùng nói và cho biết, hiện Chính phủ đang yêu cầu có biện pháp để sử dụng công nghệ mới, hợp lý thay vì phương pháp này.

"Nhiều địa phương cũng đang thử nghiệm một nhà máy đốt rác để lấy lại năng lượng. Đó là xu thế chung của thế giới và điều này cần áp dụng và nhân rộng ở Việt Nam" - ông Tùng nhấn mạnh.


T.L